Viện Hàn lâm với vai trò là cơ quan sự nghiệp khoa học công nghệ hàng đầu trực thuộc Chính phủ Việt Nam, và là Đại diện Toàn quyền của Việt Nam tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR), đã triển khai nhiều dự án nghiên cứu không chỉ trong lĩnh vực nguyên tử - hạt nhân mà còn khai thác ứng dụng công nghệ đó vào khoa học sự sống, khoa học vật liệu, công nghệ thông tin, và đặc biệt là trong y dược. Hiện nay, việc ứng dụng y học hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị các loại bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư, đang ngày càng trở nên phổ biến với ưu điểm là sự chính xác, an toàn và hiệu quả điều trị cao.
Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS. TS. Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Đại diện toàn quyền của Việt Nam tại JINR, nhấn mạnh “Viện Hàn lâm chú trọng phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình trong nhiều ngành khoa học khác như vật liệu, sinh học, y tế. Trên nền tảng bề dày nghiên cứu và đội ngũ khoa học, qua các báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm trong Hội thảo, Viện Hàn lâm sẽ đề xuất các nghiên cứu sắp tới trong lĩnh vực này vào quy hoạch phát triển năng lượng nguyên tử quốc gia”. Phó Chủ tịch bày tỏ hy vọng sự tham gia của các nhà quản lý sẽ giúp xây dựng cơ chế định hướng cho sự phát triển của công nghệ năng lượng nguyên tử và ứng dụng trong các ngành kinh tế xã hội khác.
PGS. TS. Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Đại diện toàn quyền của Việt Nam tại JINR, phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu gồm đại diện các Bộ ngành, các tổ chức cơ quan liên quan như Bộ Khoa học và Công nghê, Bộ Y Tế, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, và các nhà khoa học đến từ Nga, Belarus, từ JINR. Các đại biểu được nghe phát biểu từ ông Fokin Stanislav, Tham tán phụ trách Khoa học kỹ thuật, Giáo dục của Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam và GS.TS. Lê Văn Truyền, Chuyên gia cao cấp Dược học, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa IX; và TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) về việc hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu và các cơ quan Bộ ban ngành cũng như các tổ chức quốc tế để đưa ra các giải pháp phát triển công nghệ nguyên tử - hạt nhân, và kiến nghị các cấp quản lý hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ này vào các ngành kinh tế và trong sản xuất các loại thuốc, chế phẩm phóng xạ nói riêng tại Việt Nam và trên thế giới.
Hội thảo cũng có 10 báo cáo khoa học được trình bày đến từ Viện Vật lý, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang (Viện Hàn lâm), Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân JINR, Trung tâm Khoa học và Thực hành Lâm sàng Saint-Petersburg, Viện Nghiên cứu sinh học phóng xạ (Viện Hàn lâm Khoa học Belarus) và Viện Kurchatov (Viện Hàn lâm Khoa học Nga). Trước khi kết thúc Hội thảo, GS.VS. Sharkov B. Yu. (JINR) đã có lời cảm ơn đến PGS.TS. Trần Tuấn Anh và hy vọng các nhà khoa học của hai nước sẽ hiểu nhau hơn để cùng nhau đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ nguyên tử - hạt nhân.
Các đại biểu báo cáo tại Hội thảo; từ trên xuống dưới: GS.TS. Bugai A. N (JINR), TS. Nguyễn Khắc Thất (Bệnh viện TWQĐ 108); TS. Trần Ngọc Toàn (VINATOM), GS.VS. Sharkov B. Yu. (JINR)
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã đi thăm Trung tâm Máy gia tốc PET-CT (Bệnh viện TWQĐ 108) và Trung tâm chiếu xạ (VINATOM). Đoàn cũng đi thăm máy gia tốc và dây chuyền ứng dụng chiếu xạ trong bảo quản thực phẩm, thiết bị y tế và dược liệu tại Trung tâm.
Đoàn đại biểu dự Hội thảo tham quan thực tế; trên: Trung tâm chiếu xạ Hà Nội (VINATOM), dưới: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
(Theo vast.gov.vn)