Nguyễn Thúy Chinh tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2009, đạt học vị Tiến sĩ tại Học viện Khoa học và Công nghệ, chuyên ngành Hóa lý thuyết và Hóa lý năm 2017 và được phong hàm Phó Giáo sư năm 2023. Hiện nay, Nguyễn Thúy Chinh là nghiên cứu viên chính - Phòng Hoá lý vật liệu phi kim loại, Viện Kỹ thuật nhiệt đới. PGS.TS. Nguyễn Thúy Chinh đã công bố hơn 80 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín và hơn 100 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước, là tác giả và đồng tác giả của 15 bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích, đồng thời tham gia xuất bản 3 sách chuyên khảo. Trong vai trò giảng dạy, PGS.TS. Nguyễn Thúy Chinh là giảng viên thỉnh giảng của nhiều trường đại học như Trường Đại học Y khoa Vinh, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Đại Nam, Trường Đại học Công nghệ Đông Á, Trường Đại học Thành Đô. Đồng thời, PGS.TS. Nguyễn Thúy Chinh đã hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong các lĩnh vực Vật liệu cao phân tử và tổ hợp, Hóa hữu cơ, Hóa lý thuyết và Hóa lý, Hóa môi trường, Kỹ thuật Hóa học và Công nghệ thực phẩm.

* Từ sinh viên Sư phạm đến nhà khoa học nữ trẻ tiềm năng

Nguyễn Thúy Chinh bắt đầu sự nghiệp học thuật của mình khi thi đỗ vào khoa Hóa học, Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2005. Trong quá trình học tập, chị đã sớm bộc lộ tình yêu đối với khoa học vật liệu, một lĩnh vực mới mẻ và đòi hỏi sự tìm tòi, nghiên cứu. Từ năm thứ 3 đại học, chị đã may mắn được tham gia nghiên cứu về vật liệu compozit trên các nền nhựa nhiệt dẻo trong nhóm của GS.TS. Thái Hoàng tại Viện Kỹ thuật nhiệt đới trong hợp tác trao đổi sinh viên giữa khoa Hoá với Viện. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị đã về làm việc trong nhóm nghiên cứu của thầy Hoàng. Tại đây, chị được tiếp cận với nhiều phương pháp nghiên cứu, đo đạc mới và có được những thành quả đầu tiên của quá trình nghiên cứu, đây chính là động lực thu hút chị tiếp tục theo đuổi đam mê. Vì vậy, chị đã quyết định học nghiên cứu sinh tại Viện Kỹ thuật nhiệt đới - Học viện Khoa học và Công nghệ vừa tham gia nghiên cứu trong các đề tài, dự án của GS.TS. Thái Hoàng và các đồng nghiệp trong Viện. Năm 2016, Nguyễn Thúy Chinh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ trong lĩnh vực Vật liệu polyme y sinh. Hiện nay, PGS.TS. Nguyễn Thúy Chinh là thành viên chính của nhóm nghiên cứu xuất sắc của GS.TS. Thái Hoàng tại Viện Kỹ thuật nhiệt đới với hướng nghiên cứu chính về Vật liệu nano và Vật liệu polyme nanocompozit, Vật liệu tiên tiến. Đồng thời, chị cũng theo đuổi nghiên cứu về Vật liệu polyme y sinh và Vật liệu polyme phân hủy sinh học. PGS.TS. Nguyễn Thúy Chinh đã chủ nhiệm nhiều đề tài, nhiệm vụ các cấp, trong đó, đề tài dành nhiều tâm huyết của chị thuộc Chương trình hỗ trợ cán bộ trẻ của Viện Hàn lâm về: “Nghiên cứu chế tạo vật liệu sinh học trên cơ sở sợi collagen tự nhiên từ vảy cá biến tính, các hoạt chất ginsenoside Rb1, polyphenol trà hoa vàng ứng dụng làm vật liệu cầm máu và điều trị vết thương”.

Nghiên cứu này tập trung chiết tách collagen tự nhiên từ vảy cá nước ngọt thu thập ở miền Bắc. Sau đó, kết hợp giữa collagen này với các hợp chất có hoạt tính sinh học như ginsenoside Rb1 trong tam thất và polyphenol từ trà hoa vàng, từ công nghệ in 3D tạo ra vật liệu mới dạng màng có tác dụng cầm máu. Nghiên cứu đã được áp dụng thử nghiệm với các vết thương hở bên ngoài ở chuột và cho kết quả khả quan khi rút ngắn thời gian chảy máu trên động vật. PGS.TS. Nguyễn Thúy Chinh cho biết: Việc thử nghiệm cầm máu trên chuột đạt được thời gian cầm máu nhanh chỉ trong 104 giây khi sử dụng vật liệu mới (hiệu quả tốt hơn so với việc cầm máu bằng băng cá nhân thông thường với thời gian khoảng 200 giây). Kết quả của đề tài đã đăng ký bằng độc quyền sáng chế về: “Phương pháp chế tạo vật liệu cầm máu trên cơ sở collagen từ vảy cá được biến tính hóa học”, công bố 3 bài báo trên tạp chí quốc tế và 3 bài báo trên tạp chí khoa học trong nước. Vật liệu cầm máu và chữa lành vết thương mới có tiềm năng ứng dụng cao, vừa tận dụng được nguồn phế thải từ vảy cá góp phần tăng giá trị kinh tế trong ngành chế biến thuỷ sản, vừa có được sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. PGS.TS. Nguyễn Thúy Chinh mong muốn được tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm in vivo đối với việc cầm máu những vết thương bên trong sau các cuộc phẫu thuật như phẫu thuật phổi hoặc gan để vật liệu mới sớm được áp dụng triển khai vào thực tế.

Ngoài ra, hướng nghiên cứu về vật liệu polyme tổ hợp và polyme compozit cũng mang lại kết quả đáng kể trong bằng độc quyền sáng chế của nhóm nghiên cứu được cấp năm 2023 về: “Phương pháp sản xuất hệ sơn phủ lai hữu cơ - vô cơ và hệ sơn thu được từ phương pháp trên có khả năng chống nóng, bền mài mòn và kháng khuẩn”. Hiện nay, vấn đề đô thị hóa tạo ra các hiệu ứng đảo nhiệt đô thị trong các thành phố do hiện tượng hấp thụ năng lượng từ bức xạ mặt trời của các thiết bị, công trình, nhất là các tòa nhà cao tầng. Vì vậy, nhu cầu về năng lượng làm mát trong nhà sẽ tăng cao. Trong bối cảnh trái đất “nóng” lên và yêu cầu thích nghi với biến đổi khí hậu, sử dụng lớp phủ chống nóng/làm mát cho các công trình là một trong những giải pháp quan trọng để tiết kiệm năng lượng. Sáng chế này đã mang đến phương pháp sản xuất hệ sơn phủ lai hữu cơ - vô cơ hiện đại có khả năng chống nóng, bền mài mòn và kháng khuẩn, ứng dụng làm sơn phủ bảo vệ cho các công trình xây dựng công nghiệp và dân dụng.Ngoài công tác nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Thúy Chinh còn tham gia viết sách và là đồng tác giả của 3 cuốn sách chuyên khảo (do GS.TS. Thái Hoàng là chủ biên). Một trong số đó là: “Nâng cao khả năng kìm hãm và chống cháy polymer nhiệt dẻo bằng các phụ gia kích thước nano”. PGS.TS. Nguyễn Thúy Chinh đã đóng góp trong các chương trọng điểm như: Chương II, chị cùng GS.TS. Thái Hoàng trình bày các phương pháp đánh giá khả năng kìm hãm và chống cháy polymer. Chị là tác giả chính của chương III về đặc trưng của polymer nhiệt dẻo và các loại dễ cháy và Chương V về các phụ gia kích thước micro giúp nâng cao khả năng chống cháy. Cuốn sách này hiện được dùng làm tài liệu giảng dạy tại nhiều trường đại học, đồng thời là cơ sở tham khảo quan trọng trong lĩnh vực polymer chống cháy, đặc biệt hữu ích cho các nhà nghiên cứu, học viên, sinh viên… quan tâm đến việc phát triển các giải pháp chống cháy lan và nguyên nhân gây ra những vụ cháy nghiêm trọng.

Cuốn sách thứ hai về: “Các phương pháp phân tích nhiệt ứng dụng trong nghiên cứu vật liệu polyme”, với sự đóng góp của PGS.TS. Nguyễn Thúy Chinh trong các chương IV - VI liên quan đến dự báo sự suy giảm tính chất cơ học, nhiệt và hóa lý của vật liệu. Chị cũng là tác giả chính của Chương VII về phương pháp dự báo dựa trên tính chất mỏi, rão và cơ nhiệt động. Các nội dung trong cuốn sách là nguồn tham khảo giá trị cho các nghiên cứu về vật liệu polyme, giúp các nhà khoa học, học viên và sinh viên tìm hiểu sâu hơn về độ bền và tuổi thọ của vật liệu trong các ứng dụng thực tiễn.

Trong vai trò giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Thúy Chinh luôn chú trọng việc truyền đạt kiến thức, định hướng nghiên cứu cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, nhằm giúp họ phát triển kỹ năng nghiên cứu chuyên sâu. PGS.TS. Nguyễn Thúy Chinh tham gia giảng dạy các môn như Hóa lý dược, tập trung vào các nội dung của nhiệt động học và các ứng dụng của Hoá học và Vật lý trong ngành Dược, cùng môn học về Gốc tự do và chất chống oxy hóa, tập trung vào các phương thức hoạt động, cơ chế hình thành gốc tự do và cơ chế hoạt động của các chất chống oxy hoá. Các môn học này gắn liền với lĩnh vực Vật liệu polyme và Vật liệu y sinh, là hướng nghiên cứu chính của chị. Kết hợp giảng dạy với việc chia sẻ các kết quả nghiên cứu thực tiễn từ những công trình khoa học, chị không chỉ giúp học viên hiểu sâu hơn về lý thuyết mà còn thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động nghiên cứu thực nghiệm, qua đó tạo điều kiện thảo luận, phân tích và phát triển tư duy nghiên cứu.

* Những dấu ấn thành công

Với những thành tích khoa học nổi bật, PGS.TS. Nguyễn Thúy Chinh đã nhận được nhiều giải thưởng và bằng khen danh giá. Năm 2012, chị nhận được Giải thưởng “Best Poster” tại Hội thảo quốc tế về Vật liệu tiên tiến và Khoa học nano lần thứ 6 tại Thành phố Hạ Long. Năm 2014, chị liên tiếp nhận được Giải thưởng “Excellent Poster Presentation” tại Khóa học ngắn hạn ở Việt Nam của Hội Khoa học polyme Nhật Bản, Giải thưởng “Best Poster” tại Hội nghị Khoa học Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ 13 và còn là đồng tác giả của Giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam do Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) trao tặng. Năm 2015, chị được trao tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Kỷ niệm chương “Nhà khoa học trẻ tiêu biểu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam”. Năm 2017, chị được trao Giải thưởng "Third Prize of Best Poster Award" tại Hội thảo Châu Á về Vật liệu tiên tiến lần thứ 6, tại Hà Nội. Đặc biệt, năm 2019, Nguyễn Thúy Chinh vinh dự nhận Giải thưởng Khoa học Công nghệ thanh niên Quả cầu vàng và Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo từ Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng nhiều giải thưởng, bằng khen và giấy khen khác, ghi nhận những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu của nhà khoa học nữ trẻ tuổi.

Chia sẻ về những vất vả, khó khăn của nhà khoa học nữ, PGS.TS. Nguyễn Thúy Chinh cho biết: Là nữ giới, mỗi chị em đều phải nỗ lực lớn hơn mỗi ngày và chị cũng vậy, vừa phải đảm bảo đủ thời gian hoàn thành công việc nghiên cứu với nhịp độ cao, vừa cần thời gian trong vai trò người mẹ và người nội trợ. Công việc gia đình thường chiếm khá nhiều thời gian, khiến việc cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và sự nghiệp trở nên khó khăn. Trước khi xây dựng gia đình, chị có thể dành trọn cả ngày cho công việc, nhưng giờ đây, những trách nhiệm nhỏ nhặt hàng ngày cũng cần được ưu tiên, đòi hỏi sự sắp xếp linh hoạt hơn trong cuộc sống. Dẫu vậy, sự hỗ trợ từ Viện Hàn lâm đã tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà khoa học trẻ như Nguyễn Thúy Chinh phát triển đam mê. Các chính sách khuyến khích cán bộ trẻ tham gia nghiên cứu đã tạo cơ hội và động lực giúp họ gặt hái nhiều thành công. Bên cạnh đó, sự tận tâm hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm từ những thầy cô là các nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện đã đặt nền móng vững chắc cho các thế hệ tiếp nối kiên trì theo đuổi con đường khoa học. Chị tin tưởng rằng, với niềm đam mê và lòng nhiệt huyết, sự nỗ lực không ngừng sẽ giúp các nhà khoa học nữ trẻ đạt được nhiều thành công trên hành trình nghiên cứu của mình. Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày phụ nữ Việt Nam, chúc PGS.TS. Nguyễn Thúy Chinh luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa cho khoa học.

(Chu Thị Ngân, Trung tâm thông tin tư liệu)