Năm 2008, Viện Kỹ thuật nhiệt đới đã ký kết hợp tác với công ty Dai Nippon Toryo trong việc đánh giá các hệ sơn phủ bảo vệ chống ăn mòn trong điều kiện khí quyển biển Việt Nam. Trong mối hợp tác này, ngoài việc nâng cao khả năng phân tích, đánh giá các hệ sơn phủ cao cấp trên thế giới, các cán bộ nghiên cứu của Viện cũng được công ty Dai Nippon Toryo tạo điều kiện tham gia các diễn đàn khoa học uy tín quốc tế, đồng thời, các chuyên gia của Nhật Bản cũng tới Viện để chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong các Hội thảo khoa học tổ chức (điển hình là các chuỗi hội nghị CPM và ASAM) tại Viện Kỹ thuật nhiệt đới.

Mẫu sơn của Dai Nippon Toryo phơi thử nghiệm tự nhiên tại trạm Quảng Ninh từ năm 2008 đến nay

Năm 2017, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký kết hợp tác với Đại học Osaka và tiến tới thành lập "Văn phòng hỗn hợp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Đại học Osaka" để triển khai các hoạt động của Trung tâm ASEAN Campus trực thuộc Đại học Osaka, trong đó các nội dung chính là: thành lập các nhóm nghiên cứu chung, phòng thí nghiệm liên kết; xúc tiến hợp tác với Học viện Khoa học và Công nghệ và một số Viện trực thuộc VAST để đào tạo nhân lực về khoa học và công nghệ cho Việt Nam.

Viện Kỹ thuật nhiệt đới cũng đã xúc tiến, mở mới hợp tác với trường Đại học Osaka.Dấu mốc đầu tiên trong mối hợp tác này chính là sự kiện Đại học Osaka mời các cán bộ nghiên cứu của Viện Kỹ thuật nhiệt đới sang thăm và làm việc tại trường năm 2019. Tại đây, hai bên đã giới thiệu các hướng nghiên cứu chính của mình và đề xuất các phương hướng hợp tác chung. Từ đó, một số cán bộ nghiên cứu trẻ của Viện đã nhận được các phần học bổng sang thực tập tại Đại học Osaka.

Đoàn cán bộ Viện Kỹ thuật nhiệt đới thăm công ty sơn Suzuka Fine, tập đoàn Koatsu Gas Kygyo, Osaka, 2019

Không dừng lại ở đó, đến năm 2021, đại học Osaka đã giúp Viện Kỹ thuật nhiệt đới kết nối với tập đoàn Koatsu Gas Kogyo, một doanh nghiệp lớn của Nhật Bản chuyên cung cấp các loại keo, chất kết dính và sơn phủ cao cấp dùng trong công nghiệp. Mặc dù, trong khoảng thời gian này, dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh ở Việt Nam cũng như ở Nhật Bản, các cuộc họp trao đổi giữa các bên đã được chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến. Các cuộc họp trực tuyến được lên kế hoạch rõ ràng và được sắp xếp vào các thứ Tư trong tuần thứ ba hàng tháng. Cũng vì thế, vào ngày 01/04/2022, biên bản ghi nhớ giữa ba bên đã được ký kết trực tuyến. Văn bản này đánh dấu thời điểm hợp tác cùng nghiên cứu, cải thiện và phát triển các sản phẩm hiện có của Viện Kỹ thuật nhiệt đới và tập đoàn Koatsu Gas Kogyo, mở đầu là sản phẩm sơn phản nhiệt mặt trời. Hai bên sẽ cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), các phương pháp đánh giá và hoàn thiện sản phẩm cho phù hợp với điều kiện nhiệt đới tại Việt Nam.

Họp trực tuyến định kỳ, thứ Tư của tuần thứ ba hàng tháng, trong năm 2022:Đại học Osaka - Viện Kỹ thuật nhiệt đới - Công ty Koatsu Gas Kogyo

Có thể thấy, ngoài các đối tác quốc tế truyền thống như Pháp, Bỉ, LB Nga... Viện Kỹ thuật nhiệt đới đang hướng tới Nhật Bản như một đối tác tiềm năng mới. Việc hợp tác ba bên giữa Viện với trường Đại học Osaka và Tập đoàn Koatsu Gas Kogyo, hứa hẹn không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là các cán bộ trẻ, mà còn giúp Viện có cơ hội hợp tác ứng dụng triển khai và phát triển sản phẩm thương mại của Viện.

Nguồn: vast.gov.vn