Tới dự buổi lễ, có GS.TS. Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN; GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam; TS. Hồ Thanh Bình, Đại biểu quốc hội khóa XIV, Ủy viên Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện Khoa học Việt Nam, Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam qua các thời kỳ; Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam; Chủ tịch Hội doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA); Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón; Chủ tịch Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam; Chủ nhiệm chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới” (KC.02); Các đồng chí đại diện lãnh đạo Sở KHCN Hà Nội, Quỹ phát triển KHCN Quốc gia; Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga; Văn phòng Hội đồng chức danh GSNN; Các đồng chí đại diện lãnh đạo các Viện nghiên cứu, các Trung tâm, Học viện, Trường ĐH, các đơn vị sự nghiệp của Viện Hàn lâm, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên môi trường; các Trường ĐH và Học viện trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, ĐHQG Hà Nội, ĐH Huế, ĐHQG TP.HCM, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; các Tập đoàn, Doanh nghiệp; Đại diện Đại sứ quán CH Belarus, Đại diện Phái đoàn Wallonie - Bruxelles (Vương quốc Bỉ) tại Việt Nam; Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ của Viện Kỹ thuật nhiệt đới  qua các thời kỳ.

Toàn cảnh buổi lễ

Toàn cảnh buổi lễ

Viện Kỹ thuật nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hiện là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước về lĩnh vực Khoa học và kỹ thuật nhiệt đới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.. Sự phát triển của Viện ngày hôm nay chính là kết quả của chặng đường hơn 40 năm vẻ vang gắn bó cùng công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Viện Kỹ thuật nhiệt đới ra đời trong công cuộc bảo vệ đất nước từ những năm 1959 do nhu cầu thực tiễn sản xuất và chiến đấu, nhằm góp phần nghiên cứu sửa chữa, phục chế khí tài quân sự cho Quân chủng Phòng không - Không quân, các thiết bị điện - điện tử, quang học quân sự sử dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, điển hình là chiến trường miền Nam, các thử nghiệm tự nhiên và nhiệt đới hóa các linh kiện điện - điện tử đã bắt đầu được thực hiện tại Trạm Kỹ thuật Nhiệt đới (sau chuyển tên thành Phòng Kỹ thuật nhiệt đới).

Ngày 8/8/1980, Phó Thủ tướng Tố Hữu đã thay mặt Hội đồng Chính phủ ký Quyết định số 248/CP về việc thành lập Viện Kỹ thuật nhiệt đới trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam (tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ngày nay). Viện trưởng đầu tiên của Viện Kỹ thuật nhiệt đới là GS.TSKH. Vũ Đình Cự, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam.

Ở giai đoạn khôi phục nền kinh tế của nước nhà sau chiến tranh, Viện tiếp tục góp phần tái thiết đất nước trong việc khôi phục các ngành nghề sản xuất nhằm vực dậy nền kinh tế kiệt quệ sau chiến tranh. Từ khi chính thức thành lập năm 1980 đến nay, Viện Kỹ thuật nhiệt đới luôn là một trong số các viện nghiên cứu liên ngành đi đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu ăn mòn và bảo vệ vật liệu, thiết bị, công trình trong điều kiện khí hậu nhiệt đới.

Hiện nay, Viện có đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học chất lượng cao, trong đó có 3 GS, 6 PGS, 30 TS, 22 ThS và 10 kỹ sư/cử nhân.

Viện Kỹ thuật nhiệt đới vinh dự được đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ tại buổi lễ

Viện Kỹ thuật nhiệt đới vinh dự được đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ tại buổi lễ

Một trong những chức năng chính của Viện là điều tra, thu thập và cập nhật các thông số, yếu tố cơ bản (khí hậu, thời tiết, môi trường) ở Việt Nam; qua đó, đưa ra các giải pháp mang tính thời sự liên quan đến vấn đề suy giảm, ổn định và bảo vệ các loại vật liệu (kim loại, phi kim loại) và máy móc - linh kiện điện tử làm việc trong điều kiện khí hậu đặc trưng tại Việt Nam, như chế tạo các vật liệu mới có tính năng tương đương chịu được điều kiện khắc nghiệt hay xây dựng các quy trình bảo vệ vật liệu, thiết bị và đưa vào sử dụng trong thực tế. Bên cạnh đó, Viện cũng phối hợp với các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp trong việc xây dựng các tiêu chuẩn thử nghiệm, sử dụng và đánh giá vật liệu, linh kiện, thiết bị làm việc trong điều kiện khí hậu nhiệt đới.

GS. TS. Trần Đại Lâm, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới đọc diễn văn khai mạc tại buổi lễ kỷ niệm

GS. TS. Trần Đại Lâm, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới đọc diễn văn khai mạc tại buổi lễ kỷ niệm

Trong lĩnh vực bảo vệ vật liệu làm việc ở điều kiện khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt, Viện đã thành công với các lớp mạ hợp kim Zn-Ni, Ni-Cr dùng trong các chi tiết xe đạp, xe máy và ô tô; các loại anot hy sinh, chế tạo sơn cách điện cấp F dùng cho các Rotor tại các nhà máy điện; bảo vệ vật liệu bởi các lớp vô cơ bằng phương pháp phun phủ nhiệt plasma, ứng dụng cho các thiết bị công nghiệp chịu nhiệt, chịu mài mòn và hóa chất; hệ sơn phủ phản nhiệt mặt trời, bền hóa chất được dùng cho các bồn chứa xăng dầu, công trình kim loại, bê tông; các loại sơn phủ đặc chủng cho sản phẩm và công trình quốc phòng; vật liệu polyme-compozit bảo vệ chống ăn mòn trong môi trường khắc nghiệt cho các xi tec vận tải chuyên dụng của đường sắt cũng như các loại vật liệu polyme tổ hợp, polyme blend chất lượng cao, bền ẩm, bền thời tiết ứng dụng trong lĩnh vực giao thông, xây dựng; các loại van chống sét trên cơ sở ZnO bảo vệ các công trình điện, điện tử, viễn thông...

Tính đến nay, thông qua các đề tài dự án các cấp, các chương trình hợp tác quốc tế, Viện đã công bố hơn 2000 bài báo khoa học, trong đó có khoảng 400 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế (những năm gần đây, số công bố quốc tế trung bình hàng năm tăng trưởng nhanh hơn, với 30-40 bài/năm trên các tạp chí quốc tế uy tín). Hàng chục sách chuyên khảo và giáo trình được xuất bản và đưa vào sử dụng trong các trường đại học/học viện đào tạo chuyên ngành. Viện đã đăng ký, sở hữu một số bằng độc quyền sáng chế do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Cơ quan Sáng chế châu Âu cấp cùng nhiều bằng độc quyền sáng chế/độc quyền giải pháp hữu ích cũng như giấy chứng nhận bản quyền do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp.

Một số sản phẩm ứng dụng KHCN nổi bật của Viện Kỹ thuật nhiệt đới được trưng bày tại khu sảnh chính của Viện Hàn lâm KHCNVN trong khuôn khổ buổi lễ

Với những đóng góp trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Viện Kỹ thuật nhiệt đới đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (1995), Huân chương Độc lập hạng Ba (2005), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2015) và Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ (2020). Các cán bộ nghiên cứu của Viện đã được trao nhiều giải thưởng cao quý ở cả lĩnh vực nghiên cứu cơ bản cũng như nghiên cứu ứng dụng triển khai như: VIFOTEC, L’Oréal-UNESCO; Quả cầu vàng, Tạ Quang Bửu...

Thay mặt ban lãnh đạo Viện Hàn lâm KHCNVN, GS. TS. Phan Ngọc Minh – Phó Chủ tịch Viện đã chúc mừng các cán bộ, các nhà khoa học của Viện Kỹ thuật nhiệt đới nhân kỷ niệm 40 năm. Giáo sư cho biết, sau 40 năm xây dựng và phát triển, Viện Kỹ thuật nhiệt đới đã lớn mạnh không ngừng. Viện đã có nhiều thành tích quan trọng, toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động từ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu và phát triển công nghệ, ứng dụng Khoa học Công nghệ vào thực tế, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, làm chủ nhiều công nghệ và vật liệu, thành công trong lĩnh vực nghiên cứu về nhiệt đới hóa chống ăn mòn, chống ô nhiễm môi trường. Viện Hàn lâm KHCNVN đánh giá cao và tin tưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới sẽ phát triển vững mạnh, phát huy truyền thống tốt đẹp “cần cù, sáng tạo, vượt qua khó khăn, luôn gắn kết với thực tế” để có nhiều kết quả khoa học, công nghệ, đào tạo cũng như các sản phẩm mới đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Chụp ảnh lưu niệm tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Kỹ thuật nhiệt đới

Chụp ảnh lưu niệm tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Kỹ thuật nhiệt đới

Trước thực tế phát triển nhanh chóng cả về kinh tế và xã hội của đất nước, cũng như những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Viện Kỹ thuật nhiệt đới xác định, trong thời gian tới, mỗi cán bộ/nhân viên đều phải nỗi lực sáng tạo, nâng cao trình độ; các định hướng nghiên cứu của Viện phải bắt kịp xu thế và yêu cầu của xã hội; tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu – triển khai về  ăn mòn và bảo vệ vật liệu; từng bước đưa kỹ thuật nhiệt đới trở thành kỹ thuật xanh, thân thiện với môi trường; phát triển nhiều hơn nữa các công nghệ mới, sản phẩm mới; đẩy mạnh công tác đào tạo... để luôn giữ vững vị trí là cơ sở đi đầu trong cả nước về lĩnh vực KH&CN nhiệt đới.

(Theo: http://vast.ac.vn/)