GS Tiết Kỳ Khôn là một trong số khá nhiều nhà khoa học nổi tiếng của Trung Quốc được đào tạo (đến Tiến sĩ) hoàn toàn “nội địa”. Ảnh: INT
Nhóm nghiên cứu mạnh (NNCM) là vấn đề không mới trên thế giới nhưng còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có một văn bản duy nhất đề cập vấn đề này là Thông tư 37 quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản của Quỹ NAFOSTED do Bộ KH&CN ban hành vào tháng 12/2014 [1]).
Việc đầu tư để hình thành NNCM cần được xem xét ở nhiều góc độ, đặc biệt là góc độ quản lý. Đã có khá nhiều bài viết phân tích về mô hình phát triển KH&CN, kinh nghiệm tổ chức NNCM của một số nước có nền KH&CN phát triển như Mỹ, Pháp, Nga, Thái Lan, Singapore… Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tập trung vào Trung Quốc, một nước tuy có tổng GDP và qui mô dân số vượt rất xa Việt Nam, nhưng lại có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam ở hình thái chính trị-xã hội, cấu trúc các tổ chức nghiên cứu khoa học (Viện Hàn lâm và các hệ thống trường đại học/viện nghiên cứu)…
Làm việc trong lĩnh vực Hóa học, chúng tôi đã có hợp tác trao đổi khoa học khá hiệu quả (xây dựng dự án hợp tác chung, có 3 bài báo công bố chung từ 2018 đến nay trên các tạp chí Q1 thuộc ACS và RSC) với GS Vương Hy (Xi Wang).
GS Vương Hy sinh năm 1981, là một trong số những nhà khoa học trẻ, thành công tại Trung Quốc (h index= 44, số trích dẫn>6600 [2]), được đào tạo “hoàn toàn nội địa” từ đại học đến tiến sĩ, hiện là trưởng nhóm NNCM về Hóa học vật liệu và pin Lithium tại ĐH Giao thông Bắc Kinh - một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc. Sau khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về NNCM tại Trung Quốc, GS Vương đã giới thiệu với chúng tôi về nhóm của một nhà khoa học thuộc thế hệ đàn anh là GS Tiết Kỳ Khôn (Qi Kun Xue) thuộc ĐH Thanh Hoa Bắc Kinh, với phát minh khoa học quan trọng gần đây trong lĩnh vực Vật lý và Khoa học vật liệu - Hiệu ứng Hall dị thường lượng tử (Quantum Anomalous Hall Effect, QAHE).
Bài viết này sẽ tập trung vào phân tích NNCM của GS Tiết Kỳ Khôn trên cơ sở tham khảo tài liệu “Lessons for China’s Science Policy, A Case Study of a World-Class Research Project Accomplished in China” [3] của Venkatesh Narayanamurti, ĐH Harvard và các cộng sự khác tại ĐH Thanh Hoa và ĐH Giao thông Thượng Hải và dựa trên các trao đổi, bình luận của tác giả cùng với GS Vương.
Kinh nghiệm Trung Quốc
Giống như GS Vương, GS Tiết (sinh năm 1963) là một trong số khá nhiều nhà khoa học nổi tiếng của Trung Quốc được đào tạo (đến Tiến sĩ) hoàn toàn “nội địa”. Với phát minh QAHE, GS Tiết trở thành một trong những người đầu tiên nhận Giải thưởng Khoa học Tương lai (Chinese Future Science Award) trong lĩnh vực Vật lý của Trung Quốc vào năm 2016, được ví như “Giải Nobel của Trung Quốc”.
Để hình dung về qui mô nhóm nghiên cứu, thiết bị thí nghiệm và kinh phí hoạt động của nhóm NCCM do GS Tiết đứng đầu, trước tiên ta hãy phân tích bài báo quan trọng nhất của nhóm về QAHE - “Experimental observation of the quantum anomalous Hall effect in a magnetic topological insulator” – đăng trên tạp chí Science vào năm 2013 [4].
- Số tác giả: Có 23 tác giả được liệt kê trong bài báo nêu trên. Trong suốt quá trình thực hiện nghiên cứu kéo dài gần 5 năm, có hơn 10 giáo sư và 20 nghiên cứu sinh (NCS) của các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (Chinese Academy of Sciences, CAS), các trường đại học của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ tham gia.
Tương tự như nhiều giáo sư khác (kể cả giáo sư ở Việt Nam), GS Tiết tổ chức các seminar đều đặn hàng tuần và các NCS phải báo cáo tiến độ nghiên cứu liên quan trực tiếp tới luận án của họ (và thông thường liên quan đến dự án/đề tài của thầy). Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở báo cáo tiến độ, GS Tiết còn yêu cầu các NCS đọc và thảo luận về các hướng nghiên cứu mới trên các tạp chí khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu (trong Vật lý và Khoa học vật liệu là các tạp chí như Nature (Materials/Photonics), Science, Proceedings of the National Academy of Sciences, Physical Review Letters, Advanced Materials, Nano Letters…). Trong bối cảnh sức ép rất lớn về tiến độ, kết quả, để “trả nợ” cho các dự án đang tiến hành mà GS Tiết vẫn cho phép/yêu cầu các NCS (với góc nhìn riêng mới lạ, không quá lệ thuộc vào định hướng chủ quan của thầy hướng dẫn) được tự do đề xuất ý tưởng mới, thậm chí chấp nhận mạo hiểm thay đổi hướng nghiên cứu dự định ban đầu, vốn là tiêu chí rất quan trọng trong nghiên cứu đỉnh cao.
Trong số các tác giả của bài báo, có sự tham gia của nhà vật lý lý thuyết - GS Trương Thủ Thành (Shoucheng Zhang), ĐH Stanford, học trò của Giáo sư người Mỹ gốc Hoa đoạt Giải Nobel Vật lý năm 1957 Dương Chấn Ninh (Chen-Ning Yang). Sự hợp tác liên ngành, liên quốc gia, có sự bảo trợ khoa học của các giáo sư Hoa kiều tầm cỡ là một trong những yếu tố quyết định dẫn tới thành công của QAHE và xác định hướng đi lâu dài và đúng đắn của NNCM của GS Tiết.
Cần nhấn mạnh rằng, sự bảo trợ khoa học một cách thực sự hiệu quả của GS Dương cho nền khoa học Trung Quốc nói chung và NNCM của GS Tiết nói riêng đã được thiết lập và duy trì trong một thời gian dài mà điển hình là việc thành lập Viện nghiên cứu cao cấp Thanh Hoa theo mô hình của Viện nghiên cứu cao cấp Princenton nổi tiếng từ năm 1997 và đưa các giáo sư người Mỹ, đặc biệt là các giáo sư người Mỹ gốc Hoa, thường xuyên về giảng dạy và hợp tác NCKH tại đây.
- Thiết bị và qui mô thí nghiệm: Số lượng mẫu được chế tạo, thử nghiệm được thực hiện trong khoảng thời gian khá dài (4 năm) là trên hàng ngàn mẫu. Các thiết bị “đầu tay” sử dụng trong các thí nghiệm là: Epitaxy chùm phân tử (Molecular Beam Epitaxy, MBE), Phổ phát xạ photon phân giải góc (Angle Resolved Photoemission Spectroscopy, ARPES), Kính hiển vi quét xuyên hầm (Scanning Tunneling Microscope, STM). Đây đều là các thiết bị hiện đại nhưng không quá xa lạ với các nhà Vật lý và Khoa học vật liệu Việt Nam. Tuy nhiên để có được ba thiết bị này cũng như một số hệ thống thử nghiệm tích hợp tiên tiến khác trong phòng thí nghiệm của mình tại ĐH Thanh Hoa, GS Tiết đã phải nhờ đến sự hỗ trợ tài chính của Dự án 985 cấp cho ĐH Thanh Hoa [5]. Tổng cộng, ĐH Thanh Hoa đã nhận được 1,2 tỷ USD từ Dự án 985). Sau khi có các trang thiết bị cần thiết để đảm bảo nghiên cứu, NNCM của GS Tiết đã nhận được sự tài trợ (đề tài) từ Chương trình nghiên cứu cơ bản Trung Quốc 973 (National Basic Research Program of China [6], với kinh phí 4,5 triệu USD trong khoảng thời gian từ 2008 đến 2013. Như vậy, dự án nâng cấp thiết bị riêng (chương trình 985) phải là tiền đề có trước khi cấp các đề tài nghiên cứu cơ bản (chương trình 973) cho các NNCM.
Một số kiến nghị cụ thể cho Việt Nam
Xuất phát từ các phân tích nêu trên cũng như trên cơ sở các kinh nghiệm đã tích lũy được sau thời gian làm việc cả trong môi trường trường đại học lẫn viện nghiên cứu, đã và đang tham gia/chủ trì một số đề tài NAFOSTED, trong đó có đề tài NNCM do NAFOSTED tài trợ (ngành Hóa học, năm 2018), chúng tôi có một số kiến nghị cụ thể cho cơ quan điều hành, quản lý NNCM như sau:
1. Đầu tư kinh phí đủ lớn và ổn định cùng cơ chế có tính chất “vượt rào” của cơ quan quản lý với một số dự án lớn, tiềm năng do NNCM thực hiện.
2. Thời gian của một đề tài NNCM nên kéo dài khoảng 4-5 năm (gấp 1,5-2 lần thời gian thực hiện một đề tài thông thường).
3. Có cơ chế linh hoạt để có thể thay đổi hướng/nội dung nghiên cứu khi cần thiết.
4. Ưu tiên tập trung cho các nhóm đã được đầu tư trang thiết bị nghiên cứu đủ tốt, có đội ngũ kỹ thuật viên, nghiên cứu viên đủ khả năng vận hành, làm chủ thiết bị. Do đó, các nhóm nghiên cứu ở các trường đại học hay viện nghiên cứu lớn nên là đối tượng thụ hưởng tiềm năng được hướng đến của các đề tài NNCM (ít nhất trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu).
Các nhóm nghiên cứu ở các trường đại học hay viện nghiên cứu lớn nên là đối tượng thụ hưởng tiềm năng được hướng đến của các đề tài NNCM. Trong ảnh: Một phòng thí nghiệm ở ĐH Phenikaa, nơi đang có 7 NNCM. Nguồn: Vietnam+
5. Thành viên NNCM: nên có sự tham gia của các thành viên từ cả trường đại học và các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (nhằm tận dụng tối đa cơ sở vật chất đa ngành/liên ngành của Viện Hàn lâm, nhìn chung được đầu tư tốt hơn các trường đại học). Việc qui định thành viên nghiên cứu chủ chốt phải có kinh nghiệm nghiên cứu (đã có công bố bài ISI) là cần thiết, tuy nhiên nếu thành viên nghiên cứu chủ chốt là NCS thì nên xem xét bỏ yêu cầu phải có công bố ISI. Như đã phân tích, NCS có thể là nhân tố để tạo động lực, cách tiếp cận nghiên cứu mới mẻ cho cả nhóm.
6. Không có giới hạn nào cho khả năng tư duy của con người, chính vì vậy việc giới hạn “quota” cho phép chỉ được tham gia không quá 2 đề tài NAFOSTED là không thực sự cần thiết và kiến nghị không áp dụng cho các NNCM. NNCM cần phải có được sự tham gia của những thành viên nghiên cứu giỏi nhất, với các rào cản, qui định hành chính ít nhất.
7. Trong nghiên cứu đỉnh cao, thất bại luôn hiện hữu, vì vậy để giảm thiểu rủi ro, mỗi thành viên của nhóm NNCM (trừ chủ nhiệm đề tài) vẫn có thể chủ trì đề tài NAFOSTED khác (qui mô nhỏ hơn), để đảm bảo kinh phí duy trì hướng nghiên cứu, học thuật của riêng mình.
8. Chủ nhiệm đề tài cần có năng lực nghiên cứu xuất sắc nhưng cũng cần am hiểu tình hình nghiên cứu trong nước. Đào tạo “nội địa” như đã đề cập ở trên đồng nghĩa với việc am hiểu mạng lưới, cơ sở KH&CN, khó khăn/thuận lợi của lĩnh vực nghiên cứu trong nước. Việc học đại học ở nước ngoài là rất tốt, nhưng giai đoạn postdoc ở nước ngoài mới thực sự là giai đoạn gia tốc hiệu quả trong nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học (trường hợp của GS Tiết và GS Vương đều như vậy). NNCM ở Việt Nam cần có sự bảo trợ mạnh mẽ và thường xuyên trong một thời gian đủ dài của các GS Việt kiều đẳng cấp quốc tế (GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn, GS Lê Tự Quốc Thắng… (Toán học); GS Đàm Thanh Sơn, GS Lưu Lệ Hằng… (Vật lý); GS Nguyễn Sơn Bình, GS Nguyễn Thục Quyên… (Hóa học), v.v…). Có như vậy, khả năng trao đổi (NCS, hợp tác nghiên cứu khoa học…) hai chiều ở trình độ cao mới thực sự bền vững và hiệu quả.
9. Hồ sơ và kết quả đánh giá của đề tài NNCM: Cơ quan quản lý cần xây dựng bộ KPI (Key Performance Indicator) chi tiết và dành riêng để đánh giá hiệu quả hoạt động của NNCM. Ngoài báo cáo về kết quả nghiên cứu, các báo cáo xây dựng tiềm lực về KH&CN (đào tạo nhân lực, hợp tác quốc tế thông qua hội thảo, trao đổi khoa học, v,v…) là rất quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu KH&CN về NNCM theo lĩnh vực, nhóm, chuyên gia…, từ đó có các hoạch định, tư vấn chính sách linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
10. Cần có cơ chế để chủ nhiệm đề tài, thành viên NNCM thực hiện các trách nhiệm với xã hội, cộng đồng: Bên cạnh việc yêu cầu họ phải làm nhiệm vụ của các reviewers/speakers tích cực cho các tạp chí/hội thảo khoa học trong nước (để giới thiệu, thu hút các sinh viên trẻ khác ngoài nguồn sinh viên, NCS tại lab của mình, qua đó phát hiện và bồi dưỡng sinh viên, học viên cao học, NCS tài năng trong cả nước...), cần khuyến nghị các chủ nhiệm đề tài, thành viên NNCM tham gia, đóng góp ý kiến để xây dựng/phát triển hệ thống Chỉ số trích dẫn Việt Nam (Vietnam Citation Index, VCI [7]), nhằm đánh giá, xếp hạng và nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học Việt Nam theo hướng hội nhập (đạt chuẩn Asean Citation Index, ACI).
Cần nói thêm là chỉ số trích dẫn Thái (Thai Citation Index, TCI), lần đầu tiên được đề xuất thành lập bởi Giáo sư ngành Hóa học Narongrit Sombatsompop (h index= 35, sinh năm 1970 [8]) vào năm 2001 (đi trước Việt Nam gần 20 năm). Hiện nay, TCI có trên 800 tạp chí online; trong 3 năm từ 2017-2020, người Thái phấn đấu có thêm 40 tạp chí sẽ lọt vào danh sách Scopus. ACI thực chất cũng do GS Narongrit Sombatsompop phát triển sau thành công của TCI [9]. Có thể khẳng định chắc chắn là KH&CN của Thái Lan có những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian gần đây (thậm chí chính phủ Thái Lan còn đề ra chương trình tham vọng hướng đến mục tiêu dẫn đầu khoa học châu Á [10]) là nhờ Chiến lược quốc gia về KH&CN và chính sách hội nhập công bố khoa học thông qua hệ thống TCI và ACI.
"Đây là bản rút gọn bài viết công bố trong kỷ yếu hội thảo về nhóm nghiên cứu mạnh do Bộ GD&ĐT tổ chức tháng 4/2019, được đăng với sự đồng ý của Bộ GD&ĐT".
Tài liệu tham khảo:
[1] https://nafosted.gov.vn/wp-content/uploads/2016/07/thong_tu_37_2014.pdf
[2] https://scholar.google.com/citations?hl=en&user=U8Yw2KkAAAAJ&view_op=list_works&sortby=pubdate
[3] Junling Huang, Dongbo Shi, Lan Xue, Venkatesh Narayanamurti, A Case Study of a World-Class Research Project Accomplished in China Lessons for China’s Science Policy, Belfer Center Discussion Paper, 2017-02, 2017, Harvard Kennedy School, https://www.belfercenter.org/sites/default/files/files/publication/lessons-for-china-science-policy-dp-2017-2_0.pdf
[4] Cui-Zu Chang, Jinsong Zhang, Xiao Feng, Jie Shen, Zuocheng Zhang, Minghua Guo, Kang Li, Yunbo Ou, Pang Wei, Li-Li Wang, Zhong-Qing Ji, Yang Feng, Shuaihua Ji, Xi Chen, Jinfeng Jia, Xi Dai, Zhong Fang, Shou-Cheng Zhang, Ke He, Yayu Wang, Li Lu, Xu-Cun Ma, Qi-Kun Xue, Experimental Observation of the Quantum Anomalous Hall Effect in a Magnetic Topological Insulator, Science, 2013, Vol. 340, Issue 6129, pp. 167-170, https://science.sciencemag.org/content/340/6129/167
[5] Dự án được Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân công bố lần đầu tiên tại lễ kỷ niệm 100 năm của Đại học Bắc Kinh vào ngày 4/5/1998 để thúc đẩy một số đại học nghiên cứu hàng đầu Trung Quốc sớm trở thành trường đại học đẳng cấp quốc tế. Dự án được đặt tên để kỷ niệm sự kiện này, tháng 5 năm (19)98, https://en.wikipedia.org/wiki/Project_985
[6] Được khởi xướng từ tháng 3 năm (19)97, https://en.wikipedia.org/wiki/Program_973
[7] Kế hoạch xây dựng và phát triển VietNam Citation Index, http://www.hdcdgsnn.gov.vn/
[8] https://scholar.google.com/citations?user=dNqCadgAAAAJ&hl=en
[9] TCI-TRF-Scopus Collaboration Project, http://www.kmutt.ac.th/jif/TCI_Collaboration/?page_id=1248
[10] Pact notches up science research as Thailand seeks to take lead in AsiaTech, 2018, The Weekend Nation, http://www.nationmultimedia.com/detail/Startup_and_IT/30354494
Trích dẫn bài viết của GS.TS Trần Đại Lâm, đăng trên báo điện tử: Khoa học & Phát triển, số 1041(30/2019)