Ngày 30/12/2024, Viện Kỹ thuật nhiệt đới đã long trọng tổ chức “Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025”.
Tham dự Hội nghị có các đại biểu của Viện Hàn lâm Hàn lâm KHCNVN: TS. Phạm Tuấn Huy, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Viện Hàn lâm; CV. Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ và Kiểm tra; PGS. TS. Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN: PGS.TS. Hoàng Anh Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu; GS.TS. Đinh Thị Mai Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; GS. TS. Vũ Đình Lãm, Giám đốc Học viện Khoa học và Công nghệ; PGS. TS. Trần Ngọc Quyển, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu ứng dụng; CVCC. Nguyễn Thị Vân Nga, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tư liệu.
Hội nghị cũng rất hân hạnh được đón tiếp các khách mời đến từ các cơ quan ngoài Viện Hàn lâm KHCNVN: Ông Oleg Stanislavovich Shloma, Tham tán công sứ, đại sứ quán Belarus tại Việt Nam (Minister-Counselor of the Embassy of Belarus in Vietnam); TS. Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và hữu nghị”, Cộng tác viên khoa học cao cấp Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức người Việt Nam tại Liên Bang Nga; Đại tá Nguyễn Xuân Bình, Chánh văn phòng Văn phòng phân ban Việt Nam, Uỷ ban phối hợp liên Chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga.
Về phía Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Hội nghị có sự tham dự của GS.TS. Trần Đại Lâm, Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới; GS.TS. Thái Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới; PGS.TS. Nguyễn Vũ Giang và PGS.TS. Lê Trọng Lư, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới cùng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của Viện.
Mở đầu Hội nghị, GS.TS. Trần Đại Lâm đã trình bày tóm tắt các hoạt động, kết quả và thành tích đạt được trong năm 2024 và kế hoạch triển khai công tác năm 2025 của Viện Kỹ thuật nhiệt đới.
Trong năm 2024, Viện Kỹ thuật nhiệt đới đã thực hiện 75 đề tài/dự án, trong đó có 38 đề tài cấp Viện Hàn lâm; 01 đề án trọng điểm cấp Viện Hàn lâm giai đoạn 2024-2027 (gồm 06 hợp phần); 02 nhiệm vụ nghị định thư cấp Nhà nước; 04 đề tài độc lập cấp Quốc gia; 07 đề tài thuộc Quỹ Nafosted; 03 đề tài cấp bộ, sở, ngành. Từ kết quả thực hiện các đề tài/dự án, Viện đã công bố 123 bài báo trên các tạp chí Quốc tế (tăng 46% so với năm 2023); 15 bài báo trên các tạp chí Quốc gia uy tín (tăng 41% so với năm 2023); 05 sở hữu trí tuệ và 01 chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Viện đã được xếp hạng 4/33 đơn vị của VAST cả về số lượng và chất lượng các công trình công bố.
Đặc biệt, Viện đã có 01 công trình công bố của GS.TS. Thái Hoàng với tiêu đề “Reuse efficiency yellow phosphorus slag in a combination with copper (I) oxide as a novel antibacterial additive and adsorbent: experimental consideration and modeling”, đăng trên tạp chí Journal of Environmental Chemical Engineering, đã được bầu chọn là công trình công bố xuất sắc thuộc lĩnh vực hóa học của Viện Hàn lâm. Bên cạnh đó, Viện cũng đã có 24 công trình công bố chất lượng cao được Viện Hàn lâm ghi nhận.
Về công tác ứng dụng triển khai, trong năm 2024, Viện đã thực hiện 40 hợp đồng dịch vụ khoa học kỹ thuật và ứng dụng triển khai với tổng doanh số khoảng 5 tỷ đồng. Viện đã làm chủ một số công nghệ sản xuất sản phẩm mới có tính năng đặc biệt, là kết quả ứng dụng từ các đề tài, dự án mà Viện chủ trì như: Sơn cách điện cấp F, sơn phản xạ nhiệt mặt trời, sơn chống hàu hà, van chống sét, hệ lớp mạ đa lớp trên cơ sở kẽm và kẽm niken thụ động Cr(III), hệ lớp phủ hợp kim Al-Mg và lớp phủ Al-Mg/epoxy-nanocomposite ứng dụng để bảo vệ chống ăn mòn cho các kết cấu thép, lớp phủ gốm kim loại Cr3C2-25NiCr, lớp phủ vẩy kẽm trên vỏ đạn,…
Đối với công tác đài trạm – một hoạt động rất đặc thù của Viện Kỹ thuật nhiệt đới, trong năm 2024, Viện đã khảo sát và đánh giá 02 Trạm mới tại vùng ven biển Đông Nam Bộ (Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh) và Tây Nam Bộ (Bạc Liêu), là các mảnh ghép quan trọng trong bức tranh tổng thể về hiện tượng ăn mòn trên toàn bộ vùng ven biển Việt Nam trải đều từ Bắc vào Nam. Ngoài ra, với việc thực hiện các đề tài khoa học có liên quan, Viện cũng đã có thêm một số điểm Trạm bổ sung tại vùng ven biển Cồn Vành, Vinh, Đà Nẵng; trên các đảo Bạch Long Vỹ, Lý Sơn và Phú Quốc. Bên cạnh đó, Viện cũng đang tích cực sữa chữa, khắc phục sự cố tại trạm Quảng Ninh do ảnh hưởng của cơ bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào nước ta trong tháng 9/2024.
Về công tác đào tạo, Viện vẫn luôn duy trì về số lượng học viên đông đảo. Trong năm 2024, Viện đang hướng dẫn 28 nghiên cứu sinh, 21 học viên cao học, 39 sinh viên làm đồ án, khóa luận tốt nghiệp đại học... Viện đã Tổ chức thành công hội nghị cho các nghiên cứu sinh thường niên kể từ năm 2021 nhằm đánh giá các kết quả đạt được và định hướng nghiên cứu trong thời gian tiếp theo, đảm bảo kế hoạch, tiến độ thực hiện luận án. Từ các kết quả đào tạo, học tập đã có 02 cán bộ của Viện được nhận học vị tiến sĩ, 02 cán bộ được nhận học bổng của VinIF, 03 cán bộ được nhận học bổng Odon Vallet.
Đối với công tác hợp tác quốc tế, Viện tiếp tục thắt chặt mối quan hệ hợp tác sâu rộng với các đối tác truyền thống, trong đó có đối tác đến từ Belarus và Liên bang Nga. Trong năm 2024, Viện đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với khoa Hóa học, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow mang tên M.V. Lomonosov và Viện Nghiên cứu các vấn đề hóa lý, Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus vào tháng 9/2024. Viện cũng đã phối hợp cùng Viện Hàn lâm KHCNVN tổ chức tiếp đón phái đoàn Viện Hàn lâm Quốc gia Belarus đến thăm và làm việc vào tháng 11/2024. Viện cũng tiếp tục mở rộng mối quan hệ hợp tác với các đối tác đến từ Hàn Quốc, Pháp, Bỉ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng hòa Séc, Bulgari, … thông qua các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết và các nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương.
Viện Kỹ thuật nhiệt đới tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo với các Viện, Trường trong nước. Viện đã ký kết biên bản hợp tác với Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì vào tháng 3/2024; Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh vào tháng 12/2024; trao đổi hợp tác với trường Đại học Trà Vinh vào tháng 8/2024 và thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đào tạo với Đại học Cần Thơ vào tháng 11/2024.
Trong công tác tổ chức hội thảo khoa học và trao đổi học thuật, Viện đã phối hợp cùng Viện Hàn lâm KHCNVN tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân trong y tế” vào tháng 10/2024 tại Hà Nội. Viện cũng đã tổ chức lớp học về khoa học ăn mòn dưới sự giảng dạy bởi GS. M-G. Olivier trong khuôn khổ hợp tác với Đại học Mons, Bỉ vào tháng 10/2024. Bên cạnh đó, Viện đã tổ chức nhiều buổi hội thảo trong nước, các buổi seminar khoa học với các cán bộ trong và ngoài Viện một cách tích cực và hiệu quả.
Ngoài các hoạt động chuyên môn, các viên chức của Viện đã tham gia tích cực và sôi nổi nhiều hoạt động do Công đoàn và Chi đoàn tổ chức như tham gia “Tuần lễ áo dài”, tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng do Công đoàn Viện Hàn lâm phát động, tổ chức lễ kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam cho các cán bộ nữ của Viện, tổ chức cho các cán bộ đi nghỉ mát hè,…
Cuối cùng, GS.TS. Trần Đại Lâm đã tóm lược một số kế hoạch công tác năm 2025 như sau: Bám sát các nội dung của kế hoạch số 01, 02, 03 của BCĐ Viện HL về tổng kết thực hiện nghị quyết số 18-NQ/TW: Sớm ổn định cơ cấu tổ chức các Phòng, Ban và cán bộ, đồng thời phát triển một cách hài hoà/hòa nhập trong cơ cấu Viện mới về mọi mặt, bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, trong đó chú trọng tính đặc thù của kỹ thuật nhiệt đới trong nghiên cứu; giữ vững số lượng các đề tài/dự án; tiếp tục củng cố và mở rộng hợp tác quốc tế; giữ vững thành tích công bố và sở hữu trí tuệ mà Viện đã đạt được trong năm 2024.
Sau báo cáo của GS.TS. Trần Đại Lâm, TS. Phạm Tuấn Huy, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Viện Hàn lâm KHCNVN đánh giá cao các kết quả mà Viện Kỹ thuật nhiệt đới đã đạt được trong năm 2024 và tin tưởng rằng, các cán bộ của Viện vẫn sẽ giữ vững những thành tích nổi bật và đặc thù trong thời gian tới. Ngài Oleg Stanislavovich Shloma, Tham tán công sứ, đại sứ quán Belarus tại Việt Nam đánh giá rất cao mối quan hệ hợp tác giữa Viện Kỹ thuật nhiệt đới nói riêng và Viện Hàn lâm KHCNVN nói chung với các đối tác đến từ Belarus. Ngài Tham tán hi vọng rằng, mối quan hệ hợp tác được ngày càng được phát triển và mở rộng hơn nữa trong tương lai. Tiếp đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và hữu nghị”, Cộng tác viên khoa học cao cấp Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức người Việt Nam tại Liên Bang Nga đã chúc mừng các thành tích rất ấn tượng mà Viện đã đạt được và hi vọng rằng Quỹ “Truyền thống và hữu nghị”có thể hỗ trợ và góp phần đẩy mạnh mới quan hệ hợp tác giữa Viện và các đối tác Nga trong thời gian tới.
Nhờ những thành tích đạt được trong năm 2024, một số tập thể, cá nhân đã được Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới khen thưởng: 06 Phòng đạt danh hiệu “Tập thể Lao động tiên tiến”, 02 cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” và 8 cá nhân nhận giấy khen đạt thành tích xuất sắc.
Một số hình ảnh khác tại Hội nghị:
Thông báo từ itt.vast.vn