Sáng ngày 31/8/2024, Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức Hội nghị Khoa học tự nhiên Đồng bằng sông Cửu Long lần 3 với chủ đề “Khoa học tự nhiên cho sự phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo”. Tham dự Hội nghị có PGS. TS. Nguyễn Trung Cang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang; GS. TS. Trần Đại Lâm, Viện kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS. TS. Nguyễn Thời Trung, Viện Trí tuệ nhân tạo và Tính toán, Trường Đại học Văn Lang. Về phía Trường ĐHCT có GS. TS. Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng; PGS. TS. Ngô Thanh Phong, Trưởng Khoa Khoa học Tự nhiên; cùng với đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường, đại diện các sở, ban, ngành trong khu vực và hơn 300 nhà khoa học, giảng viên và sinh viên vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham gia trực tiếp và trực tuyến.

 Toàn cảnh Hội nghị

Khoa học Tự nhiên có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hội nghị Khoa học tự nhiên Đồng bằng sông Cửu Long lần 3 là cơ hội để các nhà nghiên cứu, giảng viên và người học công bố, trình bày những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên.

GS. TS. Trần Ngọc Hải phát biểu khai mạc Hội nghị 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS. TS. Trần Ngọc Hải nhấn mạnh: “năm 2024 là năm thứ ba tổ chức Hội nghị, chúng tôi rất vui mừng vì số lượng đại biểu quan tâm, tham dự ngày càng đông; quy mô tổ chức ngày càng lớn và nhiều đề tài nghiên cứu, báo cáo, tham luận chất lượng được mang đến chương trình. Khoa Khoa học tự nhiên là một trong bốn đơn vị được thành lập đầu tiên tại Trường ĐHCT, cho thấy sự quan tâm và quá trình tham gia tích cực các chương trình nghiên cứu khoa học của Nhà trường, góp phần phát triển toàn diện các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hoá và xã hội.”

Trong khuôn khổ chương trình, có hai tham luận chính về “Phát triển khoa học tính toán và trí tuệ nhân tạo trong đào tạo và nghiên cứu khoa học: Một chiến lược hiệu quả, chi phí thấp cho sự phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam” và “Vật liệu nano và một số ứng dụng trong công nghiệp, nông nghiệp”. Bên cạnh đó, 4 tiểu ban báo cáo song song tương ứng với 4 lĩnh vực của khoa học tự nhiên gồm: Toán học, Hóa học, Vật lý và Sinh học ứng dụng với 20 báo cáo được trình bày. Ngoài ra, tại Hội nghị, các báo cáo bằng poster và các sản phẩm khoa học công nghệ cũng được trưng bày và giới thiệu đến đại biểu những định hướng phát triển và ứng dụng nhiều lĩnh vực trong tương lai.

PGS. TS. Nguyễn Thời Trung tham luận về chủ đề Phát triển khoa học tính toán và trí tuệ nhân tạo trong đào tạo và nghiên cứu khoa học: Một chiến lược hiệu quả, chi phí thấp cho sự phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

GS. TS. Trần Đại Lâm tham luận về chủ đề Vật liệu nano và một số ứng dụng trong công nghiệp, nông nghiệp

Tiểu ban 1: Toán học và ứng dụng

Tiểu ban 2: Vật lý ứng dụng

Tiểu ban 3: Toán học ứng dụng

Tiểu ban 4: Sinh học ứng dụng

Với mục tiêu kết nối, tăng cường mối quan hệ hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học tự nhiên giữa các nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị, công ty; Hội nghị Khoa học Tự nhiên Đồng bằng sông Cửu Long lần 3 đã khẳng định vai trò quan trọng của khoa học tự nhiên trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Những ý tưởng và công trình nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị đã mở ra những định hướng mới, nêu lên những giải pháp đột phá cho các vấn đề mang tính thực tiễn. Năm 2025, dự kiến Hội nghị Khoa học Tự nhiên Đồng bằng sông Cửu Long lần 4 sẽ được tổ chức tại Trường Đại học Kiên Giang.

Ảnh lưu niệm

Trường ĐHCT tin tưởng rằng, với sự nỗ lực không ngừng của Nhà trường cũng như cộng đồng các trường đại học; các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, sở, ban, ngành sẽ ngày càng có thêm nhiều hợp tác; góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của khu vực, tạo ra nhiều ứng dụng đột phá trong mọi lĩnh vực như: nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp và sức khỏe; vì mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.