Ngày 23/8/2024, Hội thảo Khoa học lần thứ nhất của Mạng lưới Phòng thí nghiệm khối phổ Việt Nam (VMSLN) đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Ứng dụng MS trong nghiên cứu dược phẩm, an toàn thực phẩm, phân tích môi trường, độc chất pháp y và khoa học vật liệu”.
Sự kiện nhận được sự ủng hộ của Ban Cố vấn VMSLN, bao gồm các Giáo sư hàng đầu như GS.TSKH. Đặng Vũ Minh, GS.TS. Phạm Hùng Việt, GS.TS. Nguyễn Đức Tuấn cùng 11 nhà khoa học khác.
Hội thảo cũng được chào đón bởi Chủ tịch Hiệp hội Khối phổ Hoa Kỳ (ASMS) và Phó Chủ tịch Hiệp hội Khối phổ Singapore (SSMS). Hơn 100 đại biểu đã tham dự, trong đó gần một nửa đến từ các phòng kiểm nghiệm tại Việt Nam, bao gồm các phòng kiểm nghiệm đầu ngành quốc gia, phòng kiểm nghiệm thuốc – mỹ phẩm – dược phẩm tại tuyến tỉnh, và các công ty kiểm nghiệm dịch vụ trong và ngoài nước. Phần còn lại bao gồm các đại diện từ các viện nghiên cứu hàng đầu, trường đại học lớn, công ty sản xuất và các công ty công nghệ khoa học.
Theo Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu sử dụng thiết bị LC/MS trong hệ thống kiểm nghiệm đã gia tăng đáng kể so với GC/MS. Với sự phát triển trong phân tích, kiểm nghiệm và nghiên cứu thuốc từ dược liệu và thuốc sinh học, nhu cầu về thiết bị khối phổ dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh. Đồng tình với nhận định này, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh An toàn Thực phẩm Quốc gia cho rằng kỹ thuật và ứng dụng khối phổ trong kiểm nghiệm sẽ ngày càng gia tăng. QQQ MS sẽ vẫn giữ vai trò quan trọng, nhưng HRMS sẽ được sử dụng nhiều hơn trong việc sàng lọc các chất chưa biết. Bên cạnh đó, các xu hướng mới như MS di động, tự động hóa từ chuẩn bị mẫu đến phân tích, và chia sẻ toàn cầu về dữ liệu MS, phần mềm và thư viện mở cũng đang nổi lên như những nhu cầu quan trọng.
GS.TS. Phạm Hùng Việt, Trưởng Ban Cố vấn VMSLN và Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ Kiểm định môi trường và An toàn thực phẩm tại Đại học Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh rằng kỹ thuật phân tích ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu, sản xuất, thương mại và quản lý, trở thành công cụ không thể thiếu. Các bài trình bày tại hội thảo đã chứng minh điều này qua các nghiên cứu và ứng dụng chuyên sâu, như khám phá hoạt tính dược phẩm, xác định trình tự peptide của cyclotide trong thực vật, phân biệt Sâm Ngọc Linh giá trị cao với Sâm Lai Châu, và ứng dụng đồng vị bền trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm. TS. Jianhong Ching, Phó Chủ tịch SSMS, cho rằng việc hợp tác và phát triển kiến thức chuyên sâu đa ngành là một nhu cầu thiết yếu trong thời đại hiện nay.
Hội thảo VMSLN đã cung cấp một khối lượng kiến thức và kết nối khổng lồ, tạo tiền đề và hứa hẹn cho các chương trình hành động sắp tới nhằm tăng cường kết nối cộng đồng trong việc chia sẻ kiến thức và xây dựng các mối quan hệ hợp tác bền vững, như mong muốn của các lãnh đạo đầu ngành. Cam kết hợp tác sâu rộng trong nước và mở rộng hợp tác quốc tế đang trở thành xu hướng. Các tổ chức như Hiệp hội Khối phổ Hoa Kỳ và Tổ chức Khối phổ Quốc tế (IMSF) chào đón cộng đồng khối phổ Việt Nam, như chia sẻ của TS. Joseph Loo, Chủ tịch ASMS.
Kết luận tại Hội thảo GS. TS. Phạm Hùng Việt nhấn mạnh nhu cầu sử dụng thiết bị Khối phổ ở Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học của sự sống như chủ đề của Hội thảo, đánh giá cao năng lực nghiên cứu của các đơn vị đầu ngành của Bộ Y tế Viện Kiểm nghiệm thuốc Tp.Hồ Chí Minh, Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh An toàn thực phẩm Quốc gia, Viện Pháp Y Quốc Gia …v.v.
Giáo sư đánh giá cao sáng kiến của Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. HCM cũng như công tác chuẩn bị cho Hội thảo thành công tốt đẹp, bày tỏ mong muốn mạng lưới VMSLN mở rộng hơn nữa trên qui mô toàn quốc và được nhiều đơn vị nhà nước ủng hộ. Trước mắt các đơn vị hàng đầu khối phổ cần tham gia hợp tác đào tạo ứng dụng khối phổ và tổ chức thường xuyên các hội thảo khoa học.
Phát biểu của Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh – PGS. TS. Trần Việt Hùng
Kính thưa quý thầy cô, quý lãnh đạo, quý vị đại biểu, các nhà khoa học
Hôm nay Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh rất vui mừng cùng Mạng lưới Phòng thí nghiệm khối phổ Việt Nam tổ chức Hội thảo lần thứ nhất với chủ đề “Ứng dụng MS trong nghiên cứu dược phẩm, an toàn thực phẩm, phân tích môi trường, độc chất pháp y, và khoa học vật liệu”.
Như chúng ta đều biết, ngày nay, khối phổ đã trở thành kỹ thuật vân tay hóa học mạnh mẽ nhất, có vai trò quan trọng trong nghiên cứu dược phẩm, an toàn thực phẩm, phân tích môi trường, độc chất pháp y, và khoa học vật liệu.
Ở Việt Nam, chúng ta có thể nói có mấy mốc lịch sử liên quan đến sử dụng các thiết bị kết nối khối phổ:
– Năm 1994, cách đây tròn 30 năm trước, ngay trước khi bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ (tháng 7 năm 1995), Việt Nam bước sang nền kinh tế thị trường, nhiều công ty, hãng thiết bị phân tích nước ngoài mở văn phòng đại diện, nhiều công ty thiết bị phân tích trong nước thành lập, nhiều cơ sở nghiên cứu và kiểm nghiệm có nhu cầu và lắp đặt thiết bị phân tích công cụ nói chung và sắc ký khí khối phổ nói riêng. Sắc ký khí khối phổ dần dẫn được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực hóa công nghiệp, hóa dầu, phân tích môi trường, nông nghiệp, thủy hải sản, kiểm nghiệm thuốc và an toàn thực phẩm. Ứng dụng sắc ký khí khối phổ (GC/MS) trong kiểm nghiệm thuốc khởi đầu ở Viện Kiểm nghiệm (nay là Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương) vào năm 1994 (hệ thống GC/MSD của hãng PerkinElmer), với các nghiên cứu phân tích thành phần tinh dầu trong dược liệu
– Từ 1994 – 2000, nhiều tiến bộ và cải tiến trong kỹ thuật ghép nối sắc ký lỏng (LC) và khối phổ (MS), LC-MS đã thương mại hóa, ngay trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO, tháng 11 năm 2007), vào năm 2003, VKN được lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống Sắc ký lỏng khối phổ đầu tiên với bộ phát hiện bẫy ion (LC/MS, Thermo Finnigan LCQ Advantage MAX, Iontrap).
– Trong khoảng thời gian 2007 – 2022, các thiết bị ghép nối khối phổ (GC-MS, CE-MS, LC-MS, ICP-MS) đã được ứng dụng trong mọi ngành kỹ thuật và khoa học, sử dụng rông rãi ở các Viện nghiên cứu, Trường Đại học và các doanh nghiệp, cơ quan cung ccấp dịch vụ vụ phân tích thí nghiệm và nghiên cứu ở Việt Nam. Năm 2023, sau hơn 2 năm đại dịch Covid 19, tại Hội thường niên lần thứ 2 của AOAC Khu vực Đông Nam Á (AOAC SEA) vào tháng 8/2023, có GS.TSKH. Đặng Vũ Minh, GS.TS. Phạm Hùng Việt, GS.TS. Nguyễn Đức Tuấn, chúng ta đã có sáng kiến thiết lập Mạng lưới Phòng Thí nghiệm Việt Nam. Tháng 9 năm 2023, cũng có thể nói là thời điểm có dấu mốc lịch sử khi Việt Nam và Hoa Kỳ nang cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững” mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển”
Mạng lưới Phòng thí nghiệm Khối phổ Việt Nam (VMSLN) ra đời và mang sứ mệnh hỗ trợ tăng cường chia sẻ kiến thức, ứng dụng, thành tựu nghiên cứu liên quan đến công nghệ phân tích khối phổ. Mạng lưới nhận được nhiều sự đồng tình ủng hộ của các nhà nghiên cứu, nhà phân tích kiểm nghiệm, và các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ khối phổ hàng đầu tại Việt Nam. Mạng lưới Phòng thí nghiệm Khối phổ (Vietnam Mass Spectrometry Labs Network, viết tắt VMSLN) mang tầm nhìn trở thành một diễn đàn kết nối nhà nghiên cứu/phân tích kiểm nghiệm trong phòng thí nghiệm với các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ khối phổ và các bên liên quan khác nhằm mục tiêu thúc đẩy kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm chất lượng thuốc, mỹ phẩm và các sản phẩm liên quan đến sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam nói riêng, cũng như các ứng dụng trong các ngành khoa học vì sự sống nói chung.
Hội thảo khoa học lần thứ nhất mang chủ đề “Ứng dụng MS trong nghiên cứu dược phẩm, an toàn thực phẩm, phân tích môi trường, độc chất pháp y, và khoa học vật liệu” là Hội thảo khoa học đầu tiên, với các báo cáo được chuẩn bị gấp rút và công phu. Với vai trò là đơn vị tham gia sáng kiến và sáng lập viên mạng lưới, chúng tôi tham gia với tư cách là Phòng thí nghiệm thành viên trong số 19 phòng thí nghiêm đăng ký ban đầu (kể từ tháng 5 năm 2024). Chúng tôi tham dự với vai trò bình đẳng tự nguyên, có trách nhiệm và cam kết tích cực thúc đẩy mạng lưới phát triển, với hy vọng một ngày không xa, mạng lưới sẽ phát triển thành Hiệp hội khoa học, Hội thảo khoa học khối phổ sẽ trở thành Hội thảo thường niên, đóng góp vào sự phát triển khối phổ nói riêng và sự phát triển khoa học đời sóng nói chung ở Việt Nam.
Chúng tôi trân trọng cảm ơn các Giáo sư đầu ngành, GS.TSKH. Đặng Vũ Minh, GS.TS. Phạm Hùng Việt, GS.TS. Nguyễn Đức Tuấn và 11 nhà khoa học đầu ngành tham gia vào ban cố vấn với sự tin tưởng giới thiệu của GS.TS. Phạm Hùng Việt. Xin cảm ơn sự tham gia đồng hành và tài trợ của các Viện, Trường, Doanh nghiệp.
Nhân dịp 79 năm ngày Cách mạng tháng 8 thành công và nhân dịp 79 năm khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nước CHXHCN Việt Nam, xin gửi tới quý vị đại biểu, quý lãnh đạo, quý thầy cô cô, các nhà khoa học lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn !
Thông báo từ itt.vast.vn