Cuối tháng 3 vừa qua tại Đức, Tập đoàn Thyssenkrupp của Đức và Công ty cổ phần tập đoàn The Green Solutions (TGS) đã ký hợp đồng hợp tác sản xuất hydro xanh và amoniac xanh tại Việt Nam giai đoạn 2022-2050.

Theo văn kiện hợp tác, Thyssenkrupp và TGS đặt mục tiêu hợp tác sản xuất 216.000 tấn amoniac xanh và 36.000 tấn hydro xanh mỗi năm. Thỏa thuận này nằm trong nỗ lực chung của hai doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các giải pháp nguyên liệu và năng lượng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu. 

Lễ ký kết hợp tác giữa tập đoàn Thyssenkrupp và TGS. Ảnh: Vietnam+

Lễ ký kết hợp tác giữa tập đoàn Thyssenkrupp và TGS. Ảnh: Vietnam+

TGS là doanh nghiệp nội địa đặt trọng tâm vào chiến lược kinh doanh bền vững. Năm ngoái, Công ty đã đầu tư dự án Nhà máy sản xuất hydro xanh đầu tiên tại Việt Nam ở xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Dự án có thiết kế công suất 200 MW, diện tích đất khoảng 40 - 200 ha, tổng vốn dự kiến đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng là một trong những nhà tiên phong phát triển và cung ứng thiết bị cho các dự án năng lượng tái tạo gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời, khí tự nhiên hóa lỏng và năng lượng sinh khối. Ngoài dự án tại Trà Vinh, TGS đang phát triển các dự án khai thác năng lượng tái tạo khác tại Kon Tum (biomass), Cà Mau (LNG); Sóc Trăng, An Giang và Bến Tre (điện gió và điện mặt trời). 

Trong khi đó, Thyssenkrupp là Tập đoàn công nghiệp có lớn nhất châu Âu và thứ 10 trên thế giới. Tập đoàn hiện sở hữu danh mục khoảng 18.100 bằng sáng chế và mô hình tiện ích, đóng góp đáng kể vào việc xây dựng nền kinh tế hydro xanh, với công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực điện phân nước kiềm và giảm phát thải cho các ứng dụng công nghiệp.

Sự hợp tác giữa Thyssenkrupp và TGS sẽ tạo nền móng vững chắc trong việc sản xuất nguyên liệu và nhiên liệu xanh ở cấp độ doanh nghiệp nói riêng, và mở ra cơ hội hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực năng lượng và hóa học xanh giữa hai nước. 

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đòi hỏi sự chuyển dịch năng lượng xanh nhanh và trên diện rộng để phục hồi sau đại dịch, nhiên liệu hydro được nhiều quốc gia ưu tiên lựa chọn bởi tính khả thi về mặt công nghệ ngày càng cao, cùng với mức phát thải hoàn toàn bằng 0. Nhiên liệu hydro có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực trọng yếu, gồm cả sản xuất điện, lưu trữ năng lượng và là giải pháp thay thế bền vững cho xăng, dầu. 

Ở khía cạnh khác, amoniac là nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là phân bón, hóa chất, hóa dược. Sản xuất amoniac xanh (không sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất, hoặc tạo từ các nguồn nhiên liệu tái tạo) đang được thúc đẩy trên diện rộng, nhằm thúc đẩy lộ trình phát triển kinh tế carbon thấp trên toàn cầu. 

Nguồn: https://scp.gov.vn/tin-tuc/t12883/doanh-nghiep-viet-nam--duc-hop-tac-san-xuat-hydro-xanh-va-amoniac-xanh.html