Ngày 04/11/2022, nhân dịp kỷ niệm 53 năm ngày thành lập (04/11/1969 - 04/11/2022) Viện Vật liệu xây dựng (VIBM), được sự nhất trí của Đảng ủy, Ban lãnh đạo VIBM, Đoàn Thanh niên VIBM (ĐTN) đã phối hợp cùng các đơn vị thuộc VIBM tổ chức Hội thảo Khoa học thường niên lĩnh vực vật liệu và xây dựng năm 2022 (ASCMC 2022) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

 

Tham gia Hội thảo có ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng; TS. Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội VLXD Việt Nam, nguyên Viện trưởng VIBM; PGS. TS. Lương Đức Long - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội xi măng Việt Nam, nguyên Viện trưởng VIBM; TS. Trần Bá Việt - Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam; PGS.TS. Tạ Ngọc Dũng - Phó Viện trưởng - Viện Kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; PGS.TS. Bạch Đình Thiên – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng VLXD nhiệt đới, Trường ĐH Xây dựng; GS.TS. Trần Đại Lâm – Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam; Bí thư ĐTN Bộ Xây dựng Nguyễn Diệu Linh; đại diện Báo Xây dựng; các Viện; các nhà quản lý, các nhà khoa học; đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng (VLXD) trong và ngoài nước; các nhà tài trợ; cùng toàn thể lãnh đạo các đơn vị, các nghiên cứu viên của VIBM và những người quan tâm.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Trung Thành – Viện trưởng VIBM chia sẻ: Trải qua 53 năm hình thành và phát triển, VIBM luôn giữ được truyền thống cũng như các hoạt động về tổ chức Hội thảo Khoa học thường niên. Hội thảo là diễn đàn kết nối hoạt động khoa học công nghệ trong nước và quốc tế, là nơi để các nghiên cứu viên của VIBM thể hiện năng lực sáng tạo thông qua các kết quả nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn; là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà quản lý trong và ngoài nước được giao lưu, công bố và cập nhật các kết quả nghiên cứu mới về lĩnh vực VLXD; các tổ chức và doanh nghiệp có dịp quảng bá thương hiệu thông qua các nội dung được trình bày và giới thiệu tại Hội thảo.

Viện trưởng Lê Trung Thành cho biết: Hàng năm, tại Việt Nam giá trị của ngành VLXD ước tính chiếm khoảng 10% GDP; chúng ta đang hướng theo chiến lược phát triển VLXD của Chính phủ đến năm 2030 định hướng đến năm 2050, trong đó có các định hướng quan trọng về việc phát triển VLXD tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên có hiệu quả thích ứng với môi trường đặc biệt là vật liệu xanh, thân thiện môi trường. Do vậy, vật liệu xanh, thân thiện môi trường sẽ là nền tảng đóng góp vai trò quan trọng trong sản xuất VLXD. Hy vọng rằng, kết quả của Hội thảo khoa học lần này sẽ đóng góp nhiều thông tin có ý nghĩa, hiệu quả thiết thực với mong muốn làm rõ các vấn đề mà ngành xây dựng muốn hướng tới trong tương lai.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ VLXD bày tỏ sự vui mừng khi VIBM luôn giữ được truyền thống tốt đẹp, hàng năm VIBM đã tạo điều kiện cho CBVC, đặc biệt là thế hệ trẻ, ĐTN có môi trường tốt làm việc để tập trung nghiên cứu khoa học công nghệ và từ kết quả nghiên cứu đó sẽ từng bước đi vào ứng dụng, thực tiễn, đáp ứng cho sự phát triển của ngành VLXD. Qua đây, ông Phạm Văn Bắc cho biết: Lĩnh vực sản xuất hay tất cả sản phẩm, hàng hóa VLXD được sản xuất tại Việt Nam, vật liệu truyền thống hay vật liệu mới đều đang tiệm cận với công nghệ và thiết bị tiên tiến trên thế giới. Với xu thế hiện nay, chúng ta đang tập trung vào vật liệu xanh, thân thiện môi trường để phục vụ sản xuất các công trình xanh bởi tài nguyên ngày một cạn kiệt, nếu khai thác quá nhiều sẽ gây ô nhiễm môi trường, do đó cần hạn chế tối đa chất thải của các ngành công nghiệp. Từ tình hình thực tiễn, đề nghị thế hệ trẻ VIBM đi sâu vào nghiên cứu để có sản phẩm đáp ứng được hiện tại và tương lai với xu thế vật liệu xanh, tận dụng tối đa rác thải của các ngành công nghiệp phục vụ cho sản xuất.

Hội thảo bao gồm 17 bài trình bày đến từ 17 nhà khoa học, trong đó có: 03 bài thuyết trình đến từ các nhà tài trợ; 04 bài thuyết trình của các nhà khoa học trong và ngoài nước và 10 bài thuyết trình đến từ các nhà nghiên cứu trẻ của VIBM đã được Ban giám khảo đánh giá, góp ý, chấm điểm với thông tin và kết quả đạt giải cụ thể như sau:

Ban Giám khảo gồm:

  1. PGS.TS. Lê Trung Thành – Viện trưởng VIBM (Trưởng ban).
  2. GS.TS. Trần Đại Lâm - Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm khoa học khoa học và công nghệ Việt Nam.
  3. PGS.TS. Tạ Ngọc Dũng – Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
  4. PGS.TS. Bạch Đình Thiên – Viện Nghiên cứu và ứng dụng VLXD nhiệt đới, Trường đại học Xây dựng Hà Nội.
  5. TS. Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội VLXD Việt Nam, nguyên Viện trưởng VIBM.
  6. PGS.TS. Lương Đức Long - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội xi măng Việt Nam, nguyên Viện trưởng VIBM.

Danh sách các bài đạt giải Nhất, Nhì, Ba tại Hội nghị Khoa học ngày 04/11/2022:

Giải nhất:

Tính chất cơ học và phản ứng với lửa của vật liệu composite trên cơ sở nhựa epoxy sinh học – diatomite (TS. Nguyễn Quốc Bảo – Trung tâm VLCL&CC).

Giải nhì:

- Ảnh hưởng của phụ gia trợ tương hợp đến tính chất của vật liệu composite nhựa-gỗ trên cơ sở nhựa polyethylene tái chế (ThS. Nguyễn Quý An – Trung tâm VLHC&HPXD).

- Nghiên cứu xây dựng định mức tiêu hao năng lượng cho ngành công nghiệp sản xuất gạch ceramic tại Việt Nam (ThS. Cao Tú Mai – Trung tâm TBMT & An toàn lao động)

Giải ba:

- Giới thiệu một số phương pháp xác định hệ số ma sát (cof) của vật liệu (ThS. Nguyễn Văn Trung – Trung tâm GS-TT).

- Nghiên cứu, xác định hệ số dẫn nhiệt của vật liệu theo phương pháp đĩa nóng được bảo vệ (KS. Lê Tuấn Anh – Trung tâm TBMT & An toàn lao động).

Hội thảo đã thành công tốt đẹp, đem lại ý nghĩa thiết thực với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao từ các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia. Hội thảo Khoa học thường niên của VIBM không chỉ kế thừa và phát huy truyền thống nghiên cứu KHCN, mà còn thực hiện vai trò phục vụ công tác quản lý Nhà nước nhằm gắn kết các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp trong và ngoài nước để các kết quả nghiên cứu sớm được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn.

Nguồn: vibm.vn