Công nghệ nano ra đời khá sớm và phát triển khá mạnh mẽ tại Việt Nam, tuy nhiên vấn đề an toàn nano còn chưa được quan tâm chú ý một cách tương xứng.

Tại Hội nghị Vật lý chất rắn toàn quốc lần thứ II tại Đồ Sơn năm 1997, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, lúc bấy giờ là Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, đã trình bày báo cáo về sự hình thành một hướng nghiên cứu mới đầy triển vọng trong vật lý chất rắn là vật lý nano và kêu gọi giới nghiên cứu vật lý chất rắn trong nước bắt đầu ngay việc nghiên cứu vật lý nano.

Một vài năm sau đó, các nhà khoa học nhận thức được rằng vật lý nano đã thâm nhập vào các lĩnh vực khoa học khác (hóa học, công nghệ sinh học, điện tử…), dẫn đến sự hình thành lĩnh vực đa ngành Khoa học và Công nghệ nano (ở Việt Nam) [1].
Thế nhưng, trong khi Công nghệ nano đã ra đời khá sớm và phát triển khá mạnh mẽ tại Việt Nam, thì vấn đề an toàn nano còn chưa được quan tâm chú ý một cách tương xứng.

Có thể nêu ra một dẫn chứng là trong khi các hội nghị về Công nghệ nano quốc tế được tổ chức khá đều đặn tại Việt Nam (điển hình là series Hội nghị quốc tế về Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano (IWAMSN) được tổ chức đều đặn 2 năm/lần, năm 2018 là lần tổ chức thứ 9 [2]) thì chỉ có duy nhất một hội nghị quốc tế về an toàn nano được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2014 do Tổng cục môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Viện Đào tạo và Nghiên cứu Liên hợp quốc (The United Nations Institute for Training and Research, UNITAR) tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý và cộng đồng tại Việt Nam [3].

An toàn nano là vấn đề đòi hỏi các nhà quản lý (chính sách và tiêu chuẩn), các nhà khoa học, các đơn vị sản xuất và người tiêu dùng phải hiểu rõ được khái niệm, tính chất, mối quan hệ giữa các đặc điểm của vật liệu nano, những phản ứng hóa học, sinh học mà các vật liệu nano có thể gây ra ở qui mô phân tử trong cơ thể sống (người và động, thực vật).
Thực hiện quá trình đo lường nano (nano performance) là cực kỳ quan trọng trước khi tiến hành các nghiên cứu về an toàn nano. Các nghiên cứu đo lường nano đòi hỏi sử dụng các kỹ thuật phân tích có độ chính xác cao và thiết bị phù hợp.

Nỗ lực mới của Diễn đàn Nano châu Á

Gần đây, Diễn đàn Nano châu Á (Asia Nano Forum - ANF) đã nỗ lực kết nối các phòng thí nghiệm được công nhận trong các quốc gia thành viên ASEAN để nâng cao hiệu quả sử dụng, sự chính xác trong các phép đo của các phòng thí nghiệm đối tác có năng lực phân tích nano, qua đó tối thiểu chi phí và tối đa dịch vụ cung cấp cho khách hàng công nghiệp trong khu vực và quốc tế.


Hội nghị thượng đỉnh ANF (ANF Summit) lần thứ 16 tổ chức tại TP Tagaytay, Philippines, tháng 5/2019.

Tại tất cả các phòng thí nghiệm trong mạng lưới, các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng OECD-GLP (Good Laboratory Practice hay Thực hành Phòng thí nghiệm tốt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD) và/hoặc ISO/IEC 17025 được tuyệt đối tuân thủ. Phòng thí nghiệm của Viện Kỹ thuật nhiệt đới (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) là 1 trong số 13 phòng thí nghiệm của 4 nước ASEAN tham gia mạng lưới này.
Sáng kiến nói trên của ANF một lần nữa được đề cập trong dự án xây dựng các dữ liệu về an toàn nano do Malaysia đệ trình lên Uỷ ban SOM về Hợp tác Kinh tế-Kỹ thuật của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC vào tháng 6/2019, một sự kiện nằm trong khuôn khổ chuẩn bị cho Diễn đàn APEC sẽ diễn ra vào tháng 12/2020 tại nước này.
Tổ chức mạng lưới ANF được thành lập vào tháng 5/2004, bao gồm 17 nước thành viên khu vực Châu Á-Thái Bình Dương với sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển của Công nghệ nano để mang lại các lợi ích giáo dục, xã hội, môi trường và kinh tế cho mỗi nước thành viên bằng cách thúc đẩy sự hợp tác mạng lưới quan hệ quốc tế [4].

ANF tập trung vào các lĩnh vực/chủ đề chính liên quan về nano như sau: Tiêu chuẩn hóa; Giáo dục; Cơ sở hạ tầng và nguồn lực; An toàn nano; và Thương mại hóa.
Việt Nam tham gia Diễn đàn ANF với tư cách là thành viên sáng lập từ năm 2004 cho đến nay và đang tham gia tích cực vào các chủ đề nêu trên, trong đó nổi bật nhất là các chủ đề là Tiêu chuẩn hóa và An toàn nano. Đại diện đầu tiên của Việt Nam tại ANF là GS.TS Phan Hồng Khôi (2004-2007); sau đó, từ 2007-2014 là GS.TSKH Nguyễn Xuân Phúc; và từ năm 2014 đến nay là GS.TS Trần Đại Lâm - cả ba đều thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] https://ims.ac.vn/tin-tuc-su-kien/su-kien/vs-nguyen-van-hieu-tron-80-tuoi.html

[2] http://www.iwamsn.ac.vn/

[3]http://vea.gov.vn/vn/tintuc/tintuchangngay/Pages/N%C3%A2ng-cao-nh%E1%BA%ADn-th%E1%BB%A9c-qu%E1%BA%A3n-l%C3%BD-an-to%C3%A0n-nano-t%E1%BA%A1i-Vi%E1%BB%87t-Nam.aspx

[4] https://www.asia-anf.org/

[5]https://drjahangirkamaldin.blogspot.com/2019/08/network-of-nanometrology-nanosafety.html



Trần Đại Lâm, Nguyễn Trung Huy, Lê Đăng Quang (Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)