LabShare - mạng lưới kết nối và chia sẻ nguồn tài nguyên khoa học - sẽ giúp bạn tìm được thiết bị nghiên cứu và cơ sở đo mẫu phù hợp với nhu cầu, tăng hiệu quả sử dụng cho các trang thiết bị nhàn rỗi trong lab của bạn.

 

Các thành viên trong dự án Labshare. Ảnh: KH&PTCác thành viên trong dự án Labshare. Ảnh: KH&PT

Mối lo thiếu trang thiết bị nghiên cứu

Ý tưởng về một mô hình có khả năng giúp các nhà khoa học tìm được thiết bị phục vụ nghiên cứu đến với TS. Hà Minh Ngọc, giảng viên khoa Hóa học, trường Đại học KHTN (ĐHQGHN) khi anh và các đồng nghiệp cần làm một số mẫu phân tích nhưng phòng thí nghiệm ở khoa không có đủ thiết bị. Cũng như cách nhiều đồng nghiệp khác vẫn làm, anh phải gửi mẫu tới một số nơi khác nhưng lại mất rất nhiều thời gian tìm kiếm vì “không biết chính xác chỗ nào có thiết bị mình cần”, anh kể. Vì thế, TS. Hà Minh Ngọc mới nảy ra suy nghĩ: “Tại sao không xây một mạng lưới liên kết các phòng thí nghiệm để mọi người có thể dễ dàng tìm kiếm thiết bị mình cần hơn?”
Cách đây 3 tháng, anh mới có cơ hội để thực hiện nó một cách nghiêm túc khi tham gia lớp học ĐMST do ĐHQGHN tổ chức hồi tháng 8 và được chuyên gia Nguyễn Đặng Tuấn Minh – một mentor có nhiều kinh nghiệm về khởi nghiệp và là giảng viên lớp học, đánh giá ý tưởng của anh là “một ý tưởng rất thú vị và nhiều tiềm năng”. Với sự hỗ trợ của mentor Tuấn Minh, kết hợp với bạn bè và “tự mày mò”, dự án Labshare đã thành hình.
Trong quá trình chuẩn bị, TS. Ngọc và 9 thành viên của dự án Labshare đã tìm hiểu các mô hình tương tự ở Việt Nam và trên thế giới và thấy, ở các nước phát triển – vốn rất đầy đủ về trang thiết bị, cũng có những mô hình chia sẻ tương tự, nổi bật có sáng kiến labshare của Úc và nền tảng “Yikexue” của Trung Quốc. Ưu điểm của Yikexue là cung cấp dịch vụ nhanh chóng và thuận tiện cho người dùng. Tuy nhiên, do chỉ tập trung vào cung cấp dịch vụ nên Yikexue không có nhiều đóng góp về hoạt động khoa học.
Trong một bài viết trên tạp chí Tia Sáng năm 2017, TS. Trần Đình Phong, trưởng khoa Khoa học cơ bản (ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội USTH) cũng từng nhận xét về vấn đề này: “Ở Việt Nam, vẫn tồn tại chuyện cứ chuyển mẫu, trả tiền và nhận kết quả. Đấy là dịch vụ chứ không phải hợp tác làm khoa học. Chúng ta khó mà làm được khoa học đích thực với cách làm dịch vụ đó”. Như vậy, bài toán đặt ra cho Labshare là làm sao cung cấp được các dịch vụ cần thiết cho nghiên cứu, nhưng vẫn đảm bảo giữ được “chất” khoa học?
Để giải quyết câu hỏi này, TS. Ngọc đã kết hợp cả hai tính năng trên cho Labshare: vừa cung cấp các dịch vụ phân tích hoặc cho thuê thiết bị trong nghiên cứu, tư vấn chuyên gia - tương tự với Yikexue, lại vừa là nền tảng kết nối các nhà khoa học nhằm trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu hoặc hỗ trợ các cá nhân tổ chức khi mới bắt đầu vào lĩnh vực này. Với tính năng thứ hai, Labshare sẽ đóng vai trò cầu nối trung gian để các bên tìm đến hợp tác với nhau và sẽ không thu bất cứ khoản phí nào cả.
Để kết nối các phòng thí nghiệm, một mặt TS. Ngọc đã chủ động liên hệ với các phòng thí nghiệm này qua các thông tin trên internet hoặc nhờ bạn bè, người quen giới thiệu, mặt khác anh và đồng nghiệp xây dựng website Labshare và mở trang trên các mạng xã hội như facebook, zalo,... để những nơi có nhu cầu kết nối có thể tự tìm đến.
Hiện nay, ở Việt Nam cũng có một số nơi xây dựng cơ sở dữ liệu về các phòng thí nghiệm – tương tự sáng kiến labshare của Úc và một số trung tâm cung cấp các dịch vụ phân tích, nhưng chưa ai nghĩ đến việc kết nối và đặc biệt là kết nối trên quy mô toàn quốc như Labshare.

Mở mạng lưới kết nối đầu tiên
TS. Ngọc đã xác định các nội dung hoạt động chính của Labshare: dịch vụ cho thuê thiết bị nghiên cứu, đặt hàng phân tích mẫu và tư vấn chuyên gia. Sau 3 tháng không ngừng nỗ lực, Labshare cũng thu được những thành quả bước đầu. Với 19 đơn vị được kết nối, trong đó có 6 phòng thí nghiệm chuẩn Vilas và có 4 đơn vị tư nhân, phần lớn là các phòng thí nghiệm thuộc những viện, trường có nhiều trang thiết bị và quy tụ nhiều nhà khoa học giàu kinh nghiệm tại ĐH KHTN, ĐH Công nghệ, ĐH Bách khoa, Viện KH&CN Quân sự, Viện KH Vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN VN)…
Từ lúc bắt đầu xây dựng từ tháng 8 đến nay, Labshare đã giải quyết thành công hơn 20 đơn đặt hàng, chủ yếu là ở Hà Nội – do đa số các phòng thí nghiệm đã được kết nối nằm ở Hà Nội nên được nhiều người ở đây biết đến hơn.
Đối tượng tìm đến Labshare rất đa dạng, từ sinh viên, nghiên cứu sinh, nhà khoa học, doanh nghiệp,… thậm chí cả người dân bình thường, không hoạt động về nghiên cứu cũng đã từng liên hệ với Labshare. TS. Ngọc kể lại câu chuyện về một khách hàng đặc biệt đã tìm đến với Labshare - một bác nông dân trồng rau sạch ở Ba Vì. Trước khi triển khai dự án, nhóm cũng thực hiện phân tích đối tượng khách hàng tiềm năng nhưng không ngờ riêng đối tượng này thì “chưa từng ngờ đến”. Bác đã mua thuốc trừ sâu sinh học, áp dụng mọi quy trình trồng rau sạch nhưng vẫn phân vân không biết rau mình trồng có thực sự đảm bảo không, do đó bác tìm đến Labshare qua lời giới thiệu của con gái. “Mình chưa bao giờ làm về mảng này nhưng vẫn cố gắng tìm hiểu để tư vấn cho bác”, anh Ngọc cho biết. Nhờ đó anh cũng phát hiện được rằng không chỉ nhà khoa học mà “người dân cũng có nhu cầu sử dụng dịch vụ của Labshare”.


Để Labshare đi được “đường dài”
TS. Ngọc cho biết, phần lớn các đối tác và khách hàng của Labshare đều phản hồi, “mong muốn nhanh chóng xây dựng Labshare theo hướng thương mại điện tử” tạo thêm chuyên mục về những vấn đề thường gặp để khách hàng lựa chọn. Nếu không tìm thấy câu trả lời trên nền tảng, khách hàng mới chuyển sang liên hệ trực tiếp. Tuy nhiên, để làm được điều này TS. Ngọc cho biết “sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc” trong khi các thành viên trong nhóm đều là giảng viên ở các trường đại học nên không thể dành trọn thời gian cho Labshare – một trong những thách thức đã được mentor Nguyễn Đặng Tuấn Minh chỉ ngay ra khi nghe TS. Ngọc trình bày ý tưởng.
Một hạn chế của Labshare là chưa có tư cách pháp nhân để có thể hoạt động một cách độc lập, ví dụ như chưa thể ký hợp đồng giao dịch, xuất “hóa đơn đỏ” theo yêu cầu của khách hàng nên trong các giao dịch hiện nay, họ vẫn phải “nhờ” các đơn vị thuộc mạng lưới đứng tên trong hợp đồng.
Là người theo dõi Labshare từ ngày mới manh nha hình thành, mentor Nguyễn Đặng Tuấn Minh đánh giá dự án có ưu điểm là giúp “tiết kiệm rất nhiều nguồn lực và mang lại lợi ích cho xã hội theo hướng win-win-win (cả nhà nước, nhà khoa học và xã hội đều được lợi)”, thậm chí “nếu thực sự được phát triển, sẽ còn nhiều hướng đi mới mẻ cho dự án để nó có thể đáp ứng nhu cầu thị trường lớn hơn nữa ngoài phạm vi trường đại học, viện nghiên cứu”.Với tiềm năng phát triển như vậy, nhưng anh Ngọc cho biết, những tiềm năng đó của Labshare vẫn chưa đủ sức thuyết phục các nhà đầu tư và doanh nghiệp bởi họ “muốn nhìn thấy kết quả rõ ràng hơn, hứa hẹn sinh lợi nhuận hơn”. Vì thế, trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục “gõ cửa” các doanh nghiệp hoặc các quỹ đầu tư để thuyết phục họ và hỏi thêm một số chuyên gia để chuẩn bị cho việc xây dựng nền tảng công nghệ cho Labshare.

Trích Khoa học và phát triển 16/12/2018