Báo cáo hoạt động của tổ hỗ trợ công bố quốc tế, patent và kêu gọi đăng bài trên tạp chí khoa học chuyên ngành nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Kỹ thuật nhiệt đới

 

A/ BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ ISI (2019 - 6/2020)

I. Đặt vấn đề

Nhằm hỗ trợ thông tin và các trợ giúp kỹ thuật cho các cán bộ Viên chức (CBVC) của Viện, Tổ ISI (hỗ trợ công bố quốc tế, patent) đã được thành lập theo quyết định số 215/QĐ-KTNĐ ngày 18 tháng 4 năm 2019. Theo báo cáo tổng kết năm 2019, Viện Kỹ thuật nhiệt đới đã công bố 53 bài báo trên các tạp chí Quốc tế và 49 bài báo trên các tạp chí trong nước. Quí I năm 2020, số bài báo của Viện đã được đăng trên tạp chí quốc tế là 36 bài (trong đó có 32 bài ISI), số bài báo đã được chấp nhận đăng là 04 (cả 04 bài ISI). Như vậy, so với quý I năm 2019 số bài báo tăng gấp 1,5 lần và đạt khoảng 80% kế hoạch năm 2020. Cũng theo báo cáo tổng kết năm 2019, Viện đã được cấp 03 Bằng độc quyền sáng chế (đồng tác giả) và 02 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Bên cạnh đó, 02 đơn độc quyền sáng chế và 03 đơn giải pháp hữu ích cũng đã được chấp nhận chờ xem xét. Trong quý I năm 2020, Viện đã có 05 đơn độc quyền sáng chế và 02 đơn giải pháp hữu ích đã được chấp nhận và đang trong quá trình thẩm định. Đây là các thành tích rất đáng phấn khởi, ghi nhận sự nỗ lực, miệt mài trong NCKH của toàn bộ CBVC và sự định hướng đúng đắn của Chi ủy và Ban Lãnh đạo Viện trong suốt quãng thời gian dài chuẩn bị trước đây, qua đó mới thu được các kết quả ngọt ngào trong ngày hôm nay.

Trong báo cáo này tổ ISI sẽ hệ thống lại một số thông tin cơ bản và cập nhật về danh mục và cách xếp loại các tạp chí trong nước, quốc tế; đưa ra một số lưu ý trong quá trình gửi bài báo khoa học, để các CBVC trong Viện thuận lợi hơn trong quá trình lựa chọn tạp chí phù hợp với chất lượng bài báo. Các thông tin và lưu ý liên quan đến Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích sẽ được trình bày trong một báo cáo khác.

II. Thông tin cập nhật về danh mục và cách xếp loại các tạp chí trong nước và quốc tế.

1. Một số thuật ngữ cơ bản

+ ISI (Institute for Scientific Information): được thành lập vào năm 1960 và hiện thuộc Thomson Reuters. Tổ chức này đưa ra các thước đo về chất lượng các tạp chí thông qua chỉ số trích dẫn của các bài báo đăng trong tạp chí đó (JCR, Journal Citation Report), từ đó đưa ra các hệ số tương ứng (Impact Factor). Các tạp chí được đánh giá  bởi ISI được biết đến dưới dạng danh mục các tạp chí SCI/SCIE và ESCI.

+ WoS (Web of Science) được lập ra bởi ISI và hiện nay đang được duy trì bởi công ty Clarivate Analytics (từng nằm trong mảng kinh doanh về Sở hữu trí tuệ và Khoa học của Thomson Reuters với tên gọi Thomson IS). Đây là nền tảng được xây dựng nhằm tra cứu trực tuyến thông tin liên quan đến các tạp chí trên cơ sở dữ liệu của ISI.

+ SCI/SCIE (Science Citation Index/Science Citation Index Expanded): là các tạp chí có chất lượng tốt và phải đạt đủ các tiêu chí trong khâu phản biện và xuất bản. Không có sự khác biệt về chất lượng giữa SCI và SCIE. SCIE chỉ là phiên bản rộng hơn so với SCI, các tạp chí trong SCIE là các tạp chí mới lập, trực tuyến và một số cho xem miễn phí (Open Access).

+ ESCI (Emerging Science Citation Index): là các tạp chí có chất lượng nhưng chưa đáp ứng đủ hết các tiêu chí để lọt vào danh sách ISI chính thức. Các công trình đăng trên các tạp chí thuộc ESCI đã bắt đầu được tính lượt trích dẫn. Nhìn chung, danh mục ESCI là bước “dự bị” cho các tạp chí trước khi được xem xét đưa vào danh sách ISI chính thức. Cần lưu ý là danh sách ISI không cố định, mà có thể có sự thay đổi thường xuyên. Ví dụ,  vì lý do nào đó, tạp chí đã trong danh sách ISI chính thức nhưng sau 1 thời gian không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu thì lại quay về danh mục ESCI.

Để kiểm tra tạp chí nằm trong danh sách nào, các tác giả có thể kiểm tra trên nền tảng Web of Science (WoS) qua đường dẫn: https://mjl.clarivate.com/

+ Ngoài cách đánh giá phổ biến bằng JCR, các tạp chí còn được đánh giá thông qua chỉ số SJR (Scimago Journal & Country Rank) dựa trên nền tảng của Scimago Instutation Ranking. Chỉ số SJR được tính ra từ giá trị trung bình giữa Impact factor, hệ số ảnh hưởng (h-index = n, tạp chí có “n” bài báo có “n” lượt trích dẫn)  và hệ số uy tín trên từng chủ đề của tạp chí đó. Từ đấy, các tạp chí được chia đều ra thành 4 hạng mục Q1, Q2, Q3Q4.

Để kiểm tra tạp chí nằm trong nhóm nào của Scimago, các tác giả có thể kiểm tra qua đường dẫn: https://www.scimagojr.com/

+ ACI (Asean Citation Index): là chỉ số trích dẫn đánh giá chất lượng của tạp chí khoa học xuất bản bởi các nước trong khối ASEAN.

2. Phân loại tạp chí quốc tế và trong nước

+ Theo quy định của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), các tạp chí quốc tế và quốc gia được chia làm 03 loại:

        - ISI uy tín: gồm các tạp chí quốc tế uy tín thuộc SCI/SCIE (thuộc Cơ sở dữ liệu Web of Science), được các HĐKH ngành lựa chọn (trên cơ sở các chỉ số ảnh hưởng khách quan, bao gồm JCR-WoSSJR-Scimago).

        - Quốc tế uy tín: gồm các tạp chí SCIE (thuộc Cơ sở dữ liệu Web of science) thuộc nhóm Q1-Q3.

        - Quốc gia uy tín: được các Hội đồng Khoa học ngành lựa chọn, đề xuất từ các tạp chí Quốc gia thuộc danh mục Scopus hoặc ACI hoặc được Hội đồng chức danh Giáo sư công nhận điểm tối đa từ 0.75 trở lên.

Dựa vào tình hình thực tế, danh mục các tạp chí quy định bởi Quỹ có thể thay đổi hàng năm. Danh mục mới nhất các tạp chí quy định bởi Quỹ được cập nhật theo Quyết định số 151/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 09 tháng 8 năm 2019. (https://nafosted.gov.vn/ban-hanh-danh-muc-tap-chi-co-uy-tin-nam-2019-ap-dung-doi-voi-cac-de-tai-nghien-cuu-co-ban-trong-linh-vuc-khoa-hoc-tu-nhien-va-ky-thuat-do-quy-tai-tro/)

+ Tính đến thời điểm hiện tai (quí I năm 2020), danh mục Asean Citation Index đã có 14 tạp chí trong nước (https://asean-cites.org/list_of_journal.html), trong đó, 06 tạp chí có liên quan đến các lĩnh vực nghiên cứu của Viện:

       - Vietnam Journal of Science and Technology, ISSN: 2525-2518 (Viện Hàn lâm KHCNVN, VAST).

       - Vietnam Journal of Chemistry, ISSN/eISSN: 2525-2321/2572-8288 (Viện Hàn lâm KHCNVN, VAST).

       - Communication in Physics, ISSN: 0868-3166 (Viện Hàn lâm KHCNVN, VAST).

       - Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering, ISSN: 2525-2461 (Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, MOST).

       - Journal of Advanced Engineering and Computation, ISSN/eISSN: 1859-2244/     2588-123X (Đại học Tôn Đức Thắng)

       - Dalat University Journal of Science, ISSN: 0866-787X (Đại học Đà Lạt, DLU).

+ Đối với Quy định của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), các tạp chí của Viện được chia làm 02 nhóm chính là VAST-1 VAST-2. Theo hướng nghiên cứu của Viện, hiện có:

       - 01 Tạp chí thuộc nhóm VAST-1: Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology, ISSN/eISSN: 2043-6254/2043-6262.

       - 07 Tạp chí thuộc nhóm VAST-2:

  1. i) Communications in Physics, ISSN: 0868-3166.
  2. ii) Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Journal of Science and Technology, ISSN: 2525-2518.

                   iii) Tạp chí Hóa học - Journal of Chemistry, ISSN/eISSN: 2525-2321/2572-8288.

  1. iv) Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển - Journal of Marine Science and Technology, ISSN: 1859-3097
  2. v) Tạp chí Công nghệ sinh học - Journal of Biotechnology, ISSN: 1811-4989.
  3. vi) Tạp chí Các khoa học về Trái đất - Vietnam Journal of Earth Sciences, ISSN: 0866-7187; 2615-9783.

                   vii) Tạp chí Sinh học - Journal of Biology, ISSN: 0866-7160 (Tiếng Việt), 2615-9023 (Tiếng Anh).

+ Ngoài ra, một số trường Đại học, Viện nghiên cứu trong nước cũng có các tạp chí Khoa học với chất lượng khác nhau. Trong số đó, Tạp chí Vật liệu và Linh kiện Tiên tiến của Đại học Quốc Gia Hà Nội - Journal of Science: Advanced Materials and Devices (JSAMD) là tạp chí đầu tiên ở Việt Nam nằm trong danh mục SCIE (từ 16/12/2019) Trang web của tạp chí: https://www.journals.elsevier.com/journal-of-science-advanced-materials-and-devices

(Để so sánh, một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan hiện đang có 08 tạp chí và Malaysia đang có 15 tạp chí thuộc danh mục SCI/SCIE).

III. Một số điểm lưu ý

     + Hướng đến việc quốc tế hóa các Tạp chí trong nước, do vậy, các bài gửi đăng vào các Tạp chí trong nước uy tín được khuyến khích soạn thảo bằng tiếng anh.

+ Hiện nay, tất cả các Tạp chí (Trong nước và Quốc tế) đều sử dụng phần mềm đạo văn để quét khả năng trùng lặp của các bài báo gửi đăng (http://www.ithenticate.com/). Vì vậy, các tác giả khi soạn thảo lưu ý: đến các kết quả đã sử dụng đăng (tránh sử dụng lại cùng một kết quả, hình ảnh, đồ thị, biểu đồ,...); và đến cách xây dựng các câu, cụm từ trùng lặp với chính bài báo của mình đã gửi đăng trước đây. Tùy vào chất lượng của tạp chí, số lượng trùng lặp sẽ thay đổi. Tuy nhiên, nếu độ trùng lặp trên 30% thường sẽ bị từ chối trước khi được gửi cho phản biện; trong trường hợp bài đã đăng mà bị phát hiện trùng lặp, Tổng Biên tập tạp chí sẽ cân nhắc để gỡ bài đó khỏi Tạp chí, điều này sẽ gây các ảnh hưởng lớn đên nhóm tác giả và cơ quan chủ quản.

+ Do danh mục tạp chí quy định bởi Quỹ NAFOSTED không cố định, các chủ nhiệm nhiệm vụ cần phải thường xuyên cập nhật để tránh tình trạng bài báo gửi đăng vào Tạp chí bị đưa ra khỏi danh mục như dự kiến ban đầu. Chỉ những tạp chí có trong danh mục quy định của Quỹ mới được Quỹ công nhận khi nghiệm thu đề tài, dự án.

+ Cách đánh giá tạp chí thuộc danh mục ISI và Scimago là không giống nhau, có một số trường hợp, tạp chí thuộc danh mục ISI nhưng lại có điểm đánh giá trong Scimago là không cao (Ví dụ: tạp chí Surface and Interface nằm trong danh mục SCIE nhưng trong Scimago được đánh giá thuộc nhóm tạp chí Q2); hoặc tạp chí được đánh giá cao trên Scimago nhưng lại không nằm trong danh mục ISI (Ví dụ: tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology được đánh giá thuộc nhóm tạp chí Q1 trên Scimago nhưng lại chỉ nằm trong danh sách ESCI, đã có trong danh mục ISI năm 2016, nhưng hiện tại  không nằm trong danh mục ISI).

+ Để thu hút số lượng bài báo, một số tạp chí đã có chính sách, đó là mở ra các số đặc biệt (special issue). Thông thường, các bài báo gửi đăng trong số đặc biệt thường được chấp nhận nhanh và dễ dàng hơn khi gửi đăng ở các số thường quy (regular issue). Tuy nhiên, chất lượng của các bài báo gửi đăng vẫn phải đảm bảo một số tiêu chí nhất định kể cả đánh giá độ trùng lặp (đạo văn). Hơn nữa, một vài tạp chí yêu cầu phải trả phí cho các số đặc biệt khi gửi bài.

+ Từ tháng 4/2020, 02 Tạp chí của VAST là Tạp chí Hóa học - Journal of Chemistry và Tạp chí Các khoa học về Trái đất - Vietnam Journal of Earth Sciences đã được đưa vào danh mục các tạp chí ESCI trên hệ thống Web of Sciences. Các bài đăng trên 02 tạp chí này từ năm 2018 sẽ được tính điểm trích dẫn vào hệ thống của Web of Science.

+ Bên cạnh đó, gần đây trên thế giới xuất hiện các nhà xuất bản (NXB) và tạp chí rởm (predatory) với đặc điểm chung là xuất bản mở, duyệt bài nhanh (duyệt bài trong 1 tuần và nhận đăng sau 1 tháng). Việc xuất hiện các NXB và tạp chí rởm là một thực tế hết sức đáng lo ngại và đã được nhiều cơ quan, trường đại học cũng như cá nhân các nhà khoa học cảnh báo. Khác với việc các tạp chí truyền thống thu phí xuất bản mở (Gold open access), qua đó tác giả chấp nhận đóng tiền sau khi bài báo của mình đã được chấp nhận đăng để độc giả có thể tiếp cận bài báo của mình mà không phải trả phí đặt mua tạp chí (subscription fees), các nhà xuất bản đáng ngờ sẽ thu một khoản phí gọi là “Phí xử lý đăng bài” (Article Processing Charge - APC) đối với tất cả các bài báo họ chấp nhận đăng. Phí chấp nhận đăng bài khá cao, dao động từ 20 triệu VNĐ đến 40 triệu VNĐ, thậm chí có tạp chí lên đến 60 triệu. Việc đăng bài báo trên các tạp chí rởm sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của cơ quan tài trợ và mục tiêu lâu dài trong việc hướng đến các tạp chí theo chuẩn quốc tế. Đồng thời, vô hình chung, chúng ta lãng phí tiền của mà chỉ đem lại nguồn lợi lớn cho cơ quan xuất bản. Trong bối cảnh Việt Nam hãy còn là một nước nghèo, nguồn lực cho nghiên cứu khoa học còn hạn chế chúng ta không nên lựa chọn các tạp chí đó.

Tổ ISI xin trân trọng gửi đến CBVC thuộc Viện Kỹ thuật nhiệt đới những thông tin  cập nhật liên quan đến các Tạp chí trong và ngoài nước. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần làm sáng tỏ hoặc cần tư vấn, xin vui lòng liên hệ trực tiếp đến các thành viên của tổ ISI.

B/ KÊU GỌI ĐĂNG BÀI TRÊN CÁC TẠP CHÍ CHUYÊN NGÀNH NHÂN KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY THÀNH LẬP VIỆN

Qua 6 tháng đầu năm 2020, số lượng bài đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín của Viện Kỹ thuật nhiệt đới đã tăng mạnh, vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm 2020. Tuy nhiên, trái với lượng bài báo quốc tế, số lượng các bài báo đăng trong tạp chí quốc gia vẫn còn khá thấp (24 bài), trong khi chỉ tiêu đề ra trong năm 2020 là 40 bài.

Trước thực trạng đó, Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Lãnh đạo Viện đã làm việc với Tổng biên tập của 3 Tạp chí trong danh sách VAST-2: Tạp chí Khoa học và Công nghệ (Vietnam Journal of Science and Technology);  Tạp chí Hóa học  (Vietnam Journal of Chemistry); Tạp chí thông báo Vật lý (Communications in Physics) để các cán bộ nghiên cứu của Viện gửi đăng bài trên 3 tạp chí kể trên. Ngoài việc giới thiệu các công trình tiêu biểu cho các hướng nghiên cứu truyền thống của Viện trong dịp Kỷ niệm viện, số lượng bài báo quốc gia của Viện cũng sẽ tăng lên đáng kể nhân sự kiện này. Ngoài ra, các bài báo được đăng sẽ được gắn thêm lời chúc mừng kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện. Vì vậy, Lãnh đạo Viện đề nghị các tập thể/cá nhân đang công tác tại Viện Kỹ thuật nhiệt đới có trách nhiệm đôn đốc, lên kế hoạch và viết bài để đăng trên các Tạp chí tương ứng, phù hợp chuyên môn và hướng nghiên cứu của tập thể/cá nhân.

Để nâng cao chất lượng các bài báo khoa học và đơn giản hóa quá trình tập hợp bài cho nhà xuất bản, các tác giả xin vui lòng gửi bài viết toàn văn trước Thứ sáu, 31 tháng 7 năm 2020 vào email: 40th.anniv.itt@gmail.com hoặc liên hệ PGS.TS. Nguyễn Tuấn Dung - TS. Nguyễn Anh Sơn để biết thêm chi tiết.

                                                                                                                     Thay mặt ban tổ chức

                                                                                                                       Trưởng ban tổ chức

                                                                                                                        Viện trưởng

                                                                                                                        GS.TS. Trần Đại Lâm